31 thg 12, 2009

THIEP CHUC MUNG

Chúc Mừng Năm Mới

            2010        



Ngô Phan Lưu

25 thg 10, 2009

PHONG VAN


Ngô Phan Lưu: Có chút vốn văn tôi mới thấy mình nghèo


"Văn chương phải khảo sát những gì có thể xảy ra trên cái hiện thực đã xảy ra. Đấy mới là giá trị của nó" - "nhà văn nông dân" Ngô Phan Lưu nói.


Ngô Phan Lưu được làng văn cả nước biết đến khi ông đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn của báo Văn Nghệ năm 2007. Từ đó, tác phẩm của ông xuất hiện nhiều trên báo chí. Có thể nói, sau cuộc thi, cây bút này đã chứng tỏ khả năng văn chương của mình trong lòng người đọc.


Cuộc trò chuyện sau đây diễn ra nhân dịp ông vừa cho ra mắt tác phẩm mới "Xoa tay và cười".


Vẫn chú tâm về con người, quê hương

Được biết tác phẩm gần đây nhất của ông là Xoa tay và cười gồm các truyện ngắn và tản văn. Ở tác phẩm mới này, ông vẫn tiếp nối mạch văn về con người và quê hương ông như trước hay đã có sự đổi mới trong đề tài?


- Ngô Phan Lưu: Ở tác phẩm Xoa tay và cười này, tôi cũng vẫn chú tâm về con người, về quê hương, về cuộc sống như các quyển trước, nhưng với một tầm nhìn sâu hơn.


Có người nhận xét khi đọc xong tập Xoa tay và cười của ông thấy đầy những "cái xa xót của không gian từng câu chuyện đã toát lên những khoảnh khắc bi kịch trong đời". Với âm hưởng chủ đạo như vậy, bao nhiêu phần trăm là phản ánh hiện thực của cuộc sống xung quanh và bao nhiêu phần trăm là hư cấu?


- Theo tôi, chức năng của văn chương không phải là sự phản ánh hiện thực cuộc sống. Phản ánh làm sao được khi cuộc sống biến chuyển không ngừng, thậm chí còn biến chuyển đến chóng mặt. Thế nên, văn chương phải khảo sát những gì có thể xảy ra trên cái hiện thực đã xảy ra. Đấy mới là giá trị của nó. Gọi đấy là hư cấu cũng được.


Thế còn cái điệu "xoa tay", và "cười" ở đây ngụ ý gì vậy?


- Tiếng cười này gần như đồng bộ với việc xoa tay. Tiếng cười của một người vừa xong một công việc tuy chẳng ra sao, nhưng dù sao cũng xong xuôi cả. Tiếng cười này bay vơ vẩn một chặp rồi đáp ngay vào người đẻ ra nó, để chấm dứt cái xoa tay. Tiếng cười này mới ngó tưởng chỉ cười người khác, nhưng hóa ra lại cười chính mình cùng lúc với cười người khác.


Ông đoán độc giả sẽ đón nhận Xoa tay và cười như thế nào?


- Khi viết, tôi không đoán độc giả sẽ đọc thích hay không thích. Việc ấy là tự do của họ mà tôi luôn tôn trọng. Độc giả thích hay không thích, tôi đều vui mừng cả. Đây không phải là nói dối mà thật tâm tôi như vậy. Tại sao họ không thích? Tại vì họ đã đọc quyển sách ấy. Người ta đã đọc tác phẩm là tôi mừng rồi.


Thích được gọi là cây bút



Ông xuất thân từ nông thôn, sống đến nửa đời với cái mác nông dân. Điều gì đã khiến ông đến với văn chương?


- Từ nhỏ tôi đã mê văn chương, nay già rồi, lường khả năng mình có thể viết được, thế là viết cho vui mà cũng nhân đó kiếm chút tiền.


Đến nay ông đã từ giã làm ruộng chuyển hẳn sang viết văn, ông có thấy đời sống dư dả hơn không?


- Cũng khá hơn.


Dường như ông rất có duyên khi viết về vùng đất của mình. Bí quyết của Ngô Phan Lưu là gì?


- Làm gì có bí quyết. Đọc rất thích, đó là cái "duyên" của ngòi bút. Muốn có cái "duyên" đó cũng dễ thôi. Cứ nghĩ rằng mình không đẹp là sẽ có "duyên" ngay.


Cho đến thời điểm này, khi đã có trong tay một số "vốn liếng" kha khá là những tác phẩm của riêng mình, ông có còn tự cho mình là một người viết a-ma-tơ, một trai cày nữa không?


- Khi đã có chút "vốn liếng" văn chương kha khá, lúc ấy tôi mới thấy mình nghèo, nhưng người ta không cho mình nghèo, đó là việc của họ. Nay, họ cứ gọi tôi là nhà văn trong khi tôi thích được gọi là cây bút. Gọi là cây bút có vẻ đỡ kiểu cách hơn nhà văn.


Đến với văn chương là tình cờ nhưng khi đã ngồi trong chiếu văn này rồi, ông có thấy mình phải theo đuổi nó không, phải đi đến cùng hay là viết được cái gì thì viết, thỉnh thoảng viết cho vui?


- Hôm nay tôi đang với văn chương đây, nhưng lòng thì đã đến hôm qua. Cái đích của văn chương không nằm bên ngoài mình, mà chính trong bản thân mình. Mà đã ở trong bản thân thì chết nó mới thôi đeo đẳng. Còn như có viết hay không là do sức khỏe.


Nông dân suy nghĩ không đơn giản

 
Người nông dân thường hay có suy nghĩ đơn giản nhưng trong các truyện ngắn của Ngô Phan Lưu, nhân vật nông dân của ông lại rất hay triết lý. Đó có phải là tính cách của những người dân quê ông hay là cảm quan riêng của Ngô Phan Lưu áp đặt vào các nhân vật của mình?


- Không phải vậy. Lời lẽ của người nông dân nhà quê thôi, nhưng suy nghĩ họ không đơn giản như chị tưởng. Nói gì thì nói, nhưng các nhân vật của tôi cũng chính là cái tôi giả vờ đấy. Có nhà văn giả vờ giỏi, có nhà văn giả vờ dở. Nếu đó là "áp đặt" như chị đã gọi, thì còn gì tốt bằng. Đằng này chỉ là giả vờ thôi.


Có người nói truyện ngắn của Ngô Phan Lưu viết theo kiểu bình dân chứ chẳng có cách tân, kỹ thuật hiện đại nào trong bút pháp. Ông thấy đúng hay sai?


- Bút pháp à? Ai cũng có bút pháp riêng cả. Đã thế, tôi cách tân bút pháp của tôi để trở thành bút pháp người khác làm gì cho mệt.


Chuyển sang đề tài đô thị chỉ là khoác một bộ đồ mới


Người dân quê ông có gặp phải vấn đề đô thị hóa dẫn đến những đổ vỡ của tâm hồn người như một số nhà văn từng phản ánh trong tác phẩm của mình?


- Tâm hồn thì dễ đổ vỡ lắm, có điều chúng ta khó thấy đó thôi. Người dân quê hẳn là chỗ nào cũng thế. Nhà văn phải phản ánh điều ấy trong tác phẩm của họ, nhưng mỗi nhà văn phản ánh mỗi khác tùy theo vị trí của họ. Tôi cũng vậy. Điều này, khi đọc tác phẩm của tôi, chị sẽ gặp.


Ngô Phan Lưu sẽ thế nào khi bóc mình ra khỏi nông thôn của vùng duyên hải miền Trung thân thuộc? Ông có ý định chuyển sang "canh tác" ở "miền đất" mới, chẳng hạn như đời sống đô thị nhộn nhịp?


- Mỗi nhà văn đều phải làm mới mình. Điều này rất cần thiết. Nhưng làm mới mình bằng cách nào? Tôi thiết nghĩ, không phải từ viết về nông thôn chuyển sang viết về đô thị là làm mới mình. Làm mới mình chính là mình phải càng ngày càng trung thực với mình hơn lên. Lúc đó mình mới là con người mới. Còn chuyển đổi cách viết sang môi trường đô thị, đó chỉ là khoác một bộ đồ mới mà thôi.


Công bằng mà nói đến nay, dù ít dù nhiều, Ngô Phan Lưu đã tạo được dấu ấn trên văn đàn. Ông có hài lòng với những gì mình đã viết?


- Cảm ơn chị về nhận định tốt đẹp này. Nhưng tôi chưa hài lòng với những gì mình đã viết.


Ông sẽ tích lũy, bồi đắp thêm cho nghề văn của mình như thế nào?


- Việc này khó nói rõ ràng, vì đó là kiểu riêng của mỗi người. Có thể là tôi sẽ đi nhiều hơn để tích lúy và bồi đắp vốn liếng văn chương cho mình.


Ở vào tuổi 64, điều gì đã khiến cho bút lực của ông luôn dồi dào trên cánh đồng chữ nghĩa?


- Bút lực không nằm trong tuổi tác. Nó nằm trong tâm hồn và trí tuệ. Còn dồi dào để người ta thấy được, là do siêng năng.



Ngô Phan Lưu sinh năm 1946. Quê quán: Phú Yên


Tác phẩm: Bếp lửa chiều đong (1997 - thơ), Người không giăng câu Kiều (2004 - tập truyện ngắn), Cơm chiều (2008 - tập truyện ngắn), Xoa tay và cười (2009 - tập truyện ngắn, tản văn).


Năm 2007, Ngô Phan Lưu đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ cho hai truyện ngắn Cơm chiều và Buổi sáng biến mất. Điều đặc biệt thú vị, tác giả của những truyện ngắn ấy là một lão nông ở đồng đất Phú Yên đã ở tuổi lục tuần. Kể từ đó đến nay, cái tên Ngô Phan Lưu đã không biến mất như nhiều trường hợp.


Thanh Thuận (Tạp chí Người đô thị)

14 thg 10, 2009

TAP BUT


Ký ức loanh quanh







Còn nhớ có lần, một anh bạn bảo tôi rằng:


“Ký ức có hình ảnh vô hình, có âm thanh vô thanh, có hoạt động bất động. Nói chung, nó có kia mà không có đây, nó còn đó nhưng đã mất rồi. Nó là thứ bất trị vì nó thống trị. Đó là loại yêu ma nghiệt súc, thà không có còn hơn. Cho dù nó đẹp hay xấu, hạnh phúc hay khổ đau, tôi vẫn không ưa. Chỉ tổ lằng nhằng.”


Tôi nghe vậy, thật trái với mình, nhưng vẫn nín thinh, vì cho rằng mỗi người mỗi ý. Nhưng tôi tò mò muốn biết lý do sâu hơn. Tôi bảo:


“Anh hãy nói rõ hơn, cụ thể hơn tôi xem nào?”


Anh ta nói:


“Ví như tôi đang nghèo khổ bất hạnh, lúc ấy ký ức giàu sang hạnh phúc sẽ quật tôi đau đớn. Nó là thứ tàn nhẫn. Còn ví như tôi đang giàu sang hạnh phúc, lúc ấy ký ức nghèo khổ bất hạnh thúc đẩy tôi kiêu căng tự hào trong khi nhớ lại. Nó là thứ tồi tệ. Tóm lại, nó chẳng được tích sự gì, chỉ tổ phiền nhiễu, làm hư người. Nó lúc nào cũng thù nghịch với trạng thái hiện tại.”


Nghe có vẻ cũng xuôi tai, tôi thăm dò thêm:


“Như thế, ký ức không có ích lợi gì à?”


“Làm hỏng ích lợi thì có.”


Tôi thầm nghĩ, anh này quả nghịch đời, nhưng phải công nhận trong một góc nhìn nhỏ nào đó, anh ta cũng có lý. Tôi nhớ lại câu của L. Byron: “Kỷ niệm hạnh phúc không còn là hạnhphúc. Kỷ niệm đau khổ là đau khổ kéo dài.” Nhưng, đó là những người không có bản lãnh và nghị lực. Giờ này, tôi phải có ý kiến với anh ta:


“Tôi không phản đối anh, nhưng tôi rất khác anh. Những ký ức tuổi thơ tôi, đến nay vẫn rõ mồn một và tôi yêu thương nó. Ký ức về một tình yêu dang dở, đến nay tôi mới thấy ánh sáng của nó. Tất cả những ký ức tốt hay xấu, hạnh phúc hay khổ đau, tôi đều tạ ơn. Tất cả đều nhờ ký ức mà tôi hoàn thiện.”


Nghe thế, anh bạn liền cười héo:


“Xin chúc mừng. Chúc mừng sự hoàn thiện của anh.”


Lạ thật, nụ cười héo và lời chúc mừng vừa thốt ra của anh ta, dường như một cú đòn trúng ngay vào mạn sườn tôi. Bởi trong tầng sâu tâm hồn tôi, ký ức vẫn gây nhiều chua chát, không tươi mát, khí khái như miệng mình nói. Những lời tôi vừa nói chưa trung thực với lòng tôi, mà ở đó có lẫn vào kinh nghiệm sách vở, có lẫn vào cả sự quyết tâm cá nhân, thậm chí cả sự lợi dụng ký ức.


Tôi cũng cười héo:


“Cảm ơn lời chúc mừng của anh.”


Anh ta nói với tôi:


“Anh nhớ rằng, anh có một ký ức tốt, đó là điều bất hạnh cho anh. Nếu anh luôn dùng nó để hoàn thiện hoặc hưởng thụ, thì ký ức ấy đã biến thành kinh nghiệm. Kinh nghiệm là gì? Kinh nghiệm là “nghiệm” lại thấy “kinh”. Tức là anh bị ném vào ký ức trong khi anh đã thoát ra. Và, anh lại thoát ra vì anh vừa bị ném vào. Rồi do thế, ký ức lại bị biến dạng để sinh ra một thứ ký ức mới. Ối trời, chả ra làm sao cả!”


Nghe anh ta, tôi lại nghĩ, là tay này ăn nói trơn tru nhưng thực ra không đúng. Tôi bèn nói:


“Từ ký ức, người ta rút ra kinh nghiệm. Làm gì có ký ức biến thành kinh nghiệm?”


“Chả có rút riếc gì cả. Kinh nghiệm là ký ức mới, nở hoa trên ký ức cũ. Tất cả mọi sự xảy ra trong cuộc sống của anh, đều là ký ức của anh. Trừ cái chết của anh, là không phải là ký ức của anh, mà là ký ức của người khác.”


À, tôi thoáng thấy chỗ nhược của anh bạn rồi. Tôi liền xoáy vào:


“Ký ức chính là đời sống đã trải qua phải không, thưa anh?”


“Phải, mà vừa lại không phải.”


“Anh không ưa ký ức, vậy là anh không ưa đời sống đã qua?”


“Phải, mà vừa lại không phải.”


“Vậy mà anh vẫn sống?”


“Phải, mà vừa lại không phải.”


“Tại sao?”


“Tại vì ưa hay không ưa cũng vẫn là đời sống. Thậm chí, ngay cả “chết” cũng vẫn là đời sống. Vừa chết vừa không chết cũng là đời sống. Tất cả đều là đời sống. Chỉ trừ ký ức.”


Tôi ngao ngán:


“Anh nói thế, tôi còn biết nói gì. Anh thuộc dạng xuất khỏi thế gian mà chân vẫn cứ ngập bùn. Tôi ái ngại cho anh.”


Đột nhiên, anh ta cười to:


“Nói chuyện với anh, tôi vỡ ra nhiều điều.”


Lúc này, tôi ngạc nhiên:


“Vỡ ra điều gì?”


“Rằng, ký ức không phải là đời sống, mà là dấu vết của đời sống. Nhưng dấu vết ấy lại sống trong đời sống. Lằng nhằng!”


“Vậy có gì mới đâu? Mà vỡ với không vỡ?”


“Có chứ. Bởi nó hướng dẫn đời sống trong tầng sâu. Lại cũng lằng nhằng.”


“Như thế, cũng chẳng có gì mới cả, mà vỡ với không vỡ?”


Anh ta cười:


“Cũng chẳng có gì mới. Đó là điều tôi vỡ. Lại lằng nhằng.”


Tôi nổi nóng:


“Vậy, ký ức là gì? Hả?”


“Là cũ. Là lằng nhằng.”


“Cũ là sao?”


“Là không ưa, không thích.”


“Không ưa là sao? Không thích là sao?”


“Là ký ức.”


Thôi, nói chuyện cùng anh bạn này như cối xay cùn. Mà “cối xay cùn” là cũ, vì thế lại là ký ức.


Tôi lật đật thoát khỏi anh ta, và…chỉ còn là ký ức.


Ngô Phan Lưu

17 thg 9, 2009

TAP BUT

Gắn sừng & thêm đuôi

Ngô Phan Lưu

Sáng nay, tôi đến nhà cụ Niểng cùng xóm, mục đích xin nhổ mộ ít cây Chó Đẻ nấu nước uống cho mát gan. Khi vào cổng, tôi thấy cụ Niểng đang nằm võng chuyện trò với thằng cu Heo. Hai ông cháu đều không biết có tôi vừa vào. Không muốn làm gián đoạn câu chuyện của ông cháu, tôi nép người phía bên ngoài một chặp.


Tôi nghe giọng cụ Niểng õng ẹo, kể chuyện cho thằng cu Heo nghe:


“Một hôm, thấy con Cóc trong hang phóng ra, con Gà bĩu môi, nói với con Cóc: “Ôi anh Cóc ơi, nhìn anh xấu xí quá chừng? Tội nghiệp anh Cóc ghê”. Lúc này, cụ Niểng bổng đổi giọng, không õng ẹo nữa. Giọng cụ rắn rỏi:


“Tức thì, Cóc nhà ta khinh bỉ, ngước xéo nhìn con Gà: “Chị Gà kia, chị có ghẻ như tôi không? Nếu không có ghẻ như tôi, đi chỗ khác chơi. Không có ghẻ mà dám cả gan chê người ta xấu à?”.


Thằng cu Heo cười sặc sặc:


“Sao ông Ngoại nghe được tiếng con Gà, tiếng con Cóc giỏi vậy?”


“Làm sao ông nghe được. Ông đặt chuyện nói giùm bọn nó đấy” – Cụ Niểng lại trả lời õng ẹo.


“Tụi nó có chịu ông nói giùm không?” – Cu Heo lại hỏi.


“Bọn nó làm sao biết được ông nói gì mà chịu với không chịu” – Cụ Niểng lại trả lời.


Im lặng một lúc, thằng cu Heo lại hỏi:


“Ông Ngoại ngủ chưa?”


“Ngủ rồi”.


“Ờ, ông Ngoại kể tiếp nữa đi”.


“Ngủ làm sao mà kể?”.


“Ông Ngoại nhờ “ngủ” nó kể giùm cho”.


Tôi đứng nép bên ngoài, nghe tức cười không kìm được. Cụ Niểng nghe động, bước ra khỏi võng, mời tôi vào nhà. Thằng cu Heo cháu ngoại thừa cơ phóng đi chơi hàng xóm.


Cụ Niểng mời trà:


-Anh vào lâu rồi à?


-Vừa vào nhưng nghe chuyện ông cháu hay quá nên không gọi, mà còn lén nghe “ké”.


Cụ Niểng cười:


-Thằng cu Heo thông minh lắm. Anh biết không? Có hôm nó nói với tôi: “Ông ngoại khác con bò quá trời”.


Nghe cụ Niểng nói vậy, tôi cười to:


-Nói như thế mà thông minh à?


Cụ Niểng lại cười:


-Sao không thông minh? Có ai nói như thế đâu? Có ai không?


Tôi nín thinh. Kiểu này thì bó tay. Cụ Niểng nói tiếp:


-Tôi bèn hỏi lại thằng cu Heo: “Khác chỗ nào, nói nghe chơi?”. Nó liền đáp: “Ông ngoại không có sừng. Ông ngoại không có đuôi”.


Nghe thế, tôi lại cười to. Cụ Niểng nói tiếp:


“Nói xong, thằng cu Heo lấy chổi lông gà đưa tôi và bảo: Ông ngoại gắn đuôi vào đít đi. Xong, nó lại lấy hai cái ống nhựa đưa tôi, rồi bảo: Ông ngoại gắn sừng vào trán đi. Xong, nó lại bảo: Ồng ngoại quì xuống cho cháu cỡi nào”.


Tôi hỏi:


“Thế cụ có thi hành lệnh thằng cu Heo không?”


“Sao không? Tôi làm ngay theo lời nó bảo - Cụ Niểng nói to, giọng thích chí, sung sướng – Tôi còn đưa thêm cái thước kẽ cho nó nắm làm roi nữa. Thằng cu Heo cỡi tôi một buổi, lại còn quất thước kẽ vào đít tôi liên tục, chửi mắng tôi đi không êm, mà lại chậm như Rùa. Ôi, được làm con Bò một buổi mới biết làm con người là khổ sở thế nào. Ồ, mà anh đến tôi có việc gì không?”.


Tôi cười vui:


“Chỉ là xin nhổ một ít cây Chó Đẻ”


Cụ Niểng nói:


“Ồ, tưởng gì, chuyện vặt đó từ từ làm. Tôi xách chai rượu làm vài cốc nhé?”


Tôi vui vẻ ngay:


“Cảm ơn cụ. Vậy thì còn gì bằng. Hôm nào rảnh rổi, tôi cũng bắt chước cụ, làm Bò cho thằng cháu Nội cỡi một buổi”.


Cụ Niểng vừa rót rượu vừa nói liên hồi: “Anh nên làm Bò, làm Bò…để thằng cháu Nội làm mục đồng, quất đít anh một bữa là anh sung sướng tới trời”.


Chúng tôi cười vui vẻ và cùng chạm cốc…

NPL

11 thg 9, 2009

TRUYEN DỊCH

Đại cao thủ       
Nakajima Atsushi

Nguyễn Đình Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Nhật


Thành Hàm Đan kinh đô nước Triệu có một người đàn ông tên là Kỷ Xương nuôi chí trở thành tay cung đệ nhất thiên hạ. Trong khi tìm thầy, chàng được biết rằng, về ngạch cung tên hiện nay, không ai sánh được với danh thủ Phi Vệ. Nghe đồn cao thủ này có thể bắn bách phát bách trúng một cái lá liễu cách xa một trăm bước. Kỷ Xương lên đường tới yết kiến Phi Vệ, xin làm học trò của ông ta.


Phi Vệ bảo môn sinh mới của mình rằng trước tiên phải học làm sao không chớp mắt. Kỷ Xương quay về nhà, chui xuống nằm ngửa dưới khung cửi của vợ, mắt dán sát vào cái bàn đạp liên tục nâng lên hạ xuống, cố tập không chớp. Vợ chàng không hiểu nguyên do, rất đỗi ngạc nhiên. Nàng bối rối khi thấy chồng nhìn mình trừng trừng từ một góc độ kỳ cục như vậy. Nhưng Kỷ Xương mắng vợ, bắt nàng tiếp tục dệt. Ngày này qua ngày khác, Kỷ Xương cứ nằm trong cái tư thế kỳ quái đó, tập không chớp mắt. Sau hai năm, mặc cho cái bàn đạp chuyển động sát sạt, cạo đứt cả lông mi, Kỷ Xương đã luyện được nhìn mà không hề chớp mắt. Cuối cùng chàng bò ra khỏi khung cửi. Từ đó, ngay cả nếu bị dùi nhọn chọc vào mí mắt, chàng cũng không chớp mắt nữa. Chàng cũng không chớp mắt khi có tia lửa bất ngờ loé vào mắt. Cả một đám tro thình lình bốc lên ngay trước mắt cũng không làm chàng chớp mắt. Cứ như thể cơ mí mắt của chàng đã quên mất phải chớp như thế nào. Ban đêm, thậm chí khi Kỷ Xương ngủ say như chết, mắt chàng vẫn mở trừng trừng. Cuối cùng, khi một con nhện nhỏ chăng tơ giữa hai hàng lông mi mắt của chàng, chàng cảm thấy tự tin hoàn toàn để thông báo với Phi Vệ sư phụ.


Sau khi nghe, Phi Vệ nói: “Chỉ biết không chớp mắt thôi thì chưa đủ. Tiếp theo là phải học nhìn. Khi nào con học được cách nhìn chăm chú sao cho các vật bé nhỏ thấy như vĩ đại, các vật li ti trở thành rõ mồn một, thì hãy lại đến gặp ta.” Kỷ Xương lại quay về nhà, bắt được trong đường chỉ khâu áo lót một con chấy, buộc nó vào một sợi tóc, đem treo dưới cửa sổ hướng nam, rồi nhìn nó suốt ngày. Chàng nhìn con chấy treo dưới cửa sổ ngày này qua ngày khác. Lúc đầu, tất nhiên đó chỉ là con chấy. Hai ba ngày sau, nó vẫn là con chấy. Tuy nhiên sau mười ngày, con chấy có vẻ như to ra. Hết tháng thứ ba thì rõ ràng nó trông to như con tằm. Thời gian trôi qua, phong cảnh ngoài cửa sổ treo con chấy cũng thay đổi. Ánh mặt trời dịu dàng của mùa xuân đổi thành nắng hè oi bức, bầu trời mùa thu trong trẻo đầy ngỗng trắng bay trên cao chuyển sang vòm trời mùa đông màu tro u ám, lốm đốm tuyết ướt. Kỷ Xương vẫn kiên nhẫn nhìn con động vật chân đốt treo dưới cửa sổ. Con chấy này chết, chàng thay bằng con khác, cứ thế hàng chục con. Thấm thoắt ba năm trôi qua. Cho đến một hôm chàng bỗng nhận ra rằng con chấy treo dưới cửa sổ trông đã to bằng con ngựa. Xong rồi! Chàng sung sướng vỗ đầu gối, chạy ra ngoài đường. Chàng không tin vào mắt mình nữa: người trông cao lớn như toà tháp, ngựa to tựa trái núi, lợn bằng quả đồi, gà qué bằng cái chòi canh. Chàng nhảy cẫng lên, chạy lộn vào nhà, tới trước con chấy treo dưới cửa sổ, lắp một mũi tên làm bằng cọng cỏ sóc bồng vào một cây cung bằng sừng, nhằm con chấy và bắn. Lạ kỳ thay, mũi tên xuyên trúng tim con chấy mà không làm đứt sợi tóc.


Kỷ Xương ngay lập tức đến gặp sư phụ để báo tin. Phi Vệ đấm ngực, nhảy lên khen: “Thế là con đã làm được rồi!” Ngay sau đó, Phi Vệ bắt đầu dẫn dắt Kỷ Xương khám phá mọi bí mật của nghệ thuật nghề bắn cung. Kỷ Xương, đã trải qua năm năm rèn luyện cơ bản về nhìn, tiến bộ nhanh chóng kỳ lạ. Sau mười ngày, chàng đã có thể bắn bách phát bách trúng một cái lá liễu từ khoảng cách một trăm bước. Sau hai mươi ngày, chàng đặt một li nước đầy đến mép lên khuỷu tay phải, giương cung, bắn trúng đích mà nước trong li không nhểu ra ngoài một giọt. Sau một tháng, chàng thử bắn thật nhanh một trăm mũi tên. Mũi tên thứ nhất vừa cắm vào đích, mũi tên thứ hai đã bay tới cắm vào đuôi mũi tên thứ nhất. Ngay lập tức mũi tên thứ ba cắm vào đuôi mũi thứ hai, và cứ thế liên tục. Không mũi tên nào rơi xuống đất, vì mũi tên nào cũng cắm trúng đuôi mũi tên trước nó. Khi chàng bắn xong phát cuối cùng, một trăm mũi tên nối đuôi nhau như một chiếc tên duy nhất dài từ đích tới chiếc cung, và đuôi của mũi tên cuối cùng trông như còn đang mắc vào dây cung. Sư phụ Phi Vệ, đứng nhìn bên cạnh, thốt lên: “Được!”


Hai tháng sau, Kỷ Xương tình cờ về thăm nhà, và cãi lộn với vợ. Để dọa vợ, chàng giương chiếc cung bằng gỗ dâu nhằm vào mắt nàng, bắn một mũi tên bằng trúc. Mũi tên bay lướt sát mắt, cắt đứt ba sợi lông mi, song vợ chàng không hay biết gì, không hề chớp mắt, và vẫn tiếp tục nhiếc móc chồng. Tài nghệ và tốc độ bắn cung của chàng đã đạt tới mức tinh diệu.


Không còn gì để học từ sư phụ nữa, Kỷ Xương đột nhiên le lói có tư tưởng xấu. Suy đi tính lại, chàng thấy giờ đây về môn bắn cung chàng không còn địch thủ nào khác ngoài chính Phi Vệ sư phụ. Để trở thành cao thủ đệ nhất thiên hạ chàng phải tìm cách loại Phi Vệ. Thế là chàng bắt đầu bí mật tìm cơ hội. Cho đến một hôm, trong khi đang đi dạo ngoài đồng, bất chợt chàng thấy Phi Vệ một mình từ xa tiến lại. Sau một thoáng quyết định, Kỷ Xương rút tên, lắp vào cung, nhằm vào sư phụ. Phi Vệ, đoán được ác ý của học trò, cũng ngay lập tức lắp tên, giương cung nhằm vào Kỷ Xương. Cả hai thày trò cùng bắn một lúc. Hai mũi tên đâm vào nhau ở giữa đường, rơi xuống đất mà không có tí bụi nào bay lên. Tài nghệ của cả hai đều đạt tới mức siêu phàm. Họ cứ bắn nhau như thế liên tiếp hết phát này đến phát khác cho đến lúc Phi Vệ hết tên, Kỷ Xương vẫn còn một mũi. Lợi dụng dịp may, Kỷ Xương bắn ngay phát tên cuối cùng. Nhanh như chớp, Phi Vệ nhổ một cành hồng dại bên vệ đường, bắn rụng mũi tên xuống đất. Hy vọng thực hiện mưu đồ đen tối của mình đã tiêu tan, Kỷ Xương bỗng dưng thấy lòng tràn đầy hối hận. Về phía mình, Phi Vệ thở phào vì đã thoát khỏi hiểm nghèo, đồng thời thấy thoả mãn về tài nghệ của chính mình đến quên cả tức giận. Cả hai thày trò lao vào ôm chầm lấy nhau giữa cánh đồng và cùng rơi lệ (Chuyện này xem ra có vẻ kỳ cục theo đạo đức ngày nay. Khi Tề Hoàn Công muốn thưởng thức món mỹ vị mà chưa ai từng nếm thử, quan đầu bếp đã nướng luôn con trai mình đem dâng vua. Cậu thiếu niên 16 tuổi, Tần Thủy Hoàng Đế, ngay trong đêm vua cha mất, đã cưỡng hiếp ái thiếp của vua cha ba lần. Câu chuyện này cũng đã xảy ra trong thời đại như vậy.)


Mặc dù vừa ôm Kỷ Xương vừa khóc, Phi Vệ rất lo ngại học trò sẽ lại tấn công mình lần nữa. Vì thế ông ta tìm cách hướng Kỷ Xương tới một mục đích mới để phấn đấu. Ông nói với gã đệ tử nguy hiểm của mình rằng ông không còn gì để dạy cho chàng nữa. Ông còn nói nếu chàng muốn đạt tới bí mật sâu xa của cung thuật thì hãy đi về phía Tây, vượt qua vách núi Đại Hành, leo lên đỉnh ngọn Hoắc Sơn, nơi ẩn dật của Cam Dăng lão sư – đại cao thủ cung thuật của mọi thời đại. “So với tài nghệ của lão sư, cung thuật của chúng ta chỉ là trò chơi của trẻ con,” Phi Vệ nói. “Giờ đây, ngoài Cam Dăng sư phụ ra, không ai có thể làm thầy con được nữa.”


Kỷ Xương lập tức lên đường đi về phía Tây. Lòng tự ái của chàng bị tổn thương khi thấy cung thuật của mình bị coi là “trò trẻ con”. Nếu thực sự như vậy, mục đích trở thành tay cung đệ nhất thiên hạ vẫn còn là một tương lai xa vời. Nôn nóng so tài với người đó để xem cung thuật của mình có đúng chỉ là trò trẻ con không, chàng rảo bước đi thật nhanh. Thủng giầy rách chân trèo lên các vách đá treo leo, băng qua những chiếc cầu khỉ bắc ngang hẻm núi, Kỷ Xương lên tới đỉnh núi sau một tháng.


Ra đón chàng trai hăng hái là một cụ già có đôi mắt hiền như mắt cừu, bước đi lẩy bẩy như sắp ngã. Cụ có lẽ đã ngoại trăm tuổi. Lưng cụ còng thấp khiến chòm râu bạc kéo lê trên mặt đất theo bước đi của cụ. Thấy cụ có vẻ như bị điếc, Kỷ Xương vội cất cao giọng nói mục đích vì sao chàng tới đây. Nôn nóng phô diễn tài bắn cung của mình, Kỷ Xương không đợi cụ trả lời, rút ngay cây cung làm bằng gốc liễu có dây bện bằng sợi gai đang đeo trên lưng ra. Chàng lắp một chiếc tên có mũi làm bằng đá, giương cung, ngắm vào một đàn chim di trú đúng lúc đó đang bay qua trên trời cao. Chàng buông dây, một phát tên phóng lên, ngay lập tức năm con chim to từ trên trời xanh rơi xuống.


“Giỏi theo cách thông thường,” cụ già mỉm cười hiền từ nói. “Nhưng đó chẳng qua vẫn chỉ là xạ chi xạ (bắn bằng bắn) thôi. Hảo hán xem ra vẫn chưa biết thế nào là bất xạ chi xạ (bắn không cần bắn)” . Cụ già dẫn Kỷ Xương đang đầy tức tối tới một bờ vực cách đó chừng hai trăm bước. Dưới chân Kỷ Xương mở ra một quang cảnh giống y chang một bức bình phong dựng đứng cao bốn ngàn thước, ở xa tít bên dưới chàng thấy một con suối trông nhỏ như sợi chỉ, một độ cao khiến chàng đột nhiên hoa mày chóng mặt. Cụ già chạy lên một phiến đá chênh vênh nhô ra trên bờ vực, rồi quay lại bảo Kỷ Xương: “Nào, có giỏi thì hãy đứng trên tảng đá này trổ tài cho ta xem.” Đã quá muộn để rút lui! Khi Kỷ Xương leo lên, tảng đá lắc lư. Kỷ Xương cố giữ bình tĩnh lắp tên vào cung. Đúng lúc đó một viên sỏi lăn ra, rơi xuống vực. Nhìn theo viên sỏi rơi, Kỷ Xương nằm bò lên tảng đá lúc nào không hay. Chân chàng run bần bật, mồ hôi tuôn ra chảy tới gót chân. Cụ già cả cười, đưa tay đỡ Kỷ Xương bước khỏi tảng đá, rồi tự mình leo lên, nói: “Bây giờ hãy xem cái gọi là bắn đây này.” Vẫn chưa hết run, mặt tái nhợt, song Kỷ Xương chợt nhận ra và hỏi: “Nhưng, còn cái cung? Lão nhân không có gì trong tay cả.” “Cung à?” Cụ già cười lớn, “Bắn mà vẫn phải cần đến cung tên thì chỉ là xạ chi xạ. Còn bất xạ chi xạ là bắn nhưng không cần cả cung lẫn tên.”


Lúc đó trên trời rất cao ngay phía trên đầu họ một con diều hâu đang dang cánh lặng lẽ lượn vòng. Cụ già Cam Dăng nhìn theo con diều hâu trông nhỏ xíu chỉ bằng một hạt vừng, rồi nhanh như cắt, lắp một mũi tên tưởng tượng vào một cây cung vô hình, giương tròn như trăng rằm và buông tay, nhìn kìa, con diều hâu ngừng vỗ cánh, rơi xuống chẳng khác gì một hòn đá. Kỷ Xương kinh hoàng. Lần đầu tiên chàng được chứng kiến bí mật uyên thâm nhất của nghệ thuật bắn cung.


Kỷ Xương ở lại học lão cao thủ trong suốt chín năm trời. Không ai biết chàng đã tu nghiệp như thế nào trong quãng thời gian đó. Sau chín năm, khi chàng xuống núi trở về, mọi người thảy đều ngạc nhiên thấy vẻ mặt chàng đã biến đổi nhiều. Không còn tí bóng dáng nào của vẻ hiếu thắng hung hăng trước kia. Thay vào đó là dung mạo ngây ngô như tượng gỗ của một người ngu độn. Tuy nhiên, khi Kỷ Xương đến thăm thầy cũ, sau bao năm không gặp, thoạt nhìn thấy vẻ mặt Kỷ Xương, Phi Vệ đã cảm thán kêu lên: “Đây chính là đại cao thủ đệ nhất thiên hạ! Chúng ta sẽ không bao giờ có thể bì kịp anh ta.”


Dân thành Hàm Đan nô nức chào đón cao thủ đệ nhất thiên hạ trở về. Họ chờ đợi một cuộc trình diễn tài nghệ bắn cung của chàng. Nhưng Kỷ Xương không đáp ứng nguyện vọng của họ. Ngay cái cung chàng cũng không sờ đến. Có vẻ như chàng đã quăng đi đâu mất cả chiếc cung làm bằng gốc liễu có dây bện bằng sợi gai mà khi xưa chàng từng đem theo lên núi. Khi có người tới chơi hỏi lý do, Kỷ Xương uể oải trả lời: “Tột đỉnh của hành động là không làm gi hết. Tột đỉnh của lời nói là im lặng. Tột đỉnh của bắn là không bắn.” À ra thế! Những người dân vốn rất thông thái của thành Hàm Đan hiểu ngay lập tức. Nhà đại cao thủ không cần sờ đến cây cung đã trở thành niềm tự hào của họ. Kỷ Xương càng không động đến cung tên, danh tiếng về sự vô địch của chàng lại càng được bàn tán ầm ĩ.


Nhiều lời đồn được truyền miệng từ người này sang người khác. Người ta nói rằng ban đêm, cứ đến canh ba, có ai đó luyện cung trên mái nhà Kỷ Xương, nghe rõ cả tiếng dây cung bật. Có người quả quyết đó là vị thần hộ mệnh ẩn náu trong mình nhà đại cao thủ, ban đêm thoát ra khi chàng ngủ để triệt mọi yêu ma định hãm hại chàng. Một thương nhân sống gần nhà chàng nói rằng có đêm đã thấy chàng, rõ ràng cầm cung trong tay, cưỡi mây bay trên mái nhà, đọ tài với hai bậc đại cao thủ xạ thuật đời xưa là Hậu Nghệ và Dưỡng Do Cơ. Những mũi tên ba vị này phóng ra vạch những tia sáng xanh sắc nhọn trên nền trời đêm trước khi biến mất giữa sao Sâm và sao Thiên Lang. Một tên đạo tặc thú nhận có lần định lẻn vào nhà Kỷ Xương, song khi hắn vừa trèo lên bờ tường thì bỗng một luồng sát khí từ trong nhà phóng ra, trúng vào giữa trán, làm hắn ta ngã lăn từ trên tường xuống đất bất tỉnh. Từ đó, bọn tâm địa gian tà đều tránh xa vùng quanh nhà Kỷ Xương, và những bầy chim di trú thông minh cũng không dám bay trên mái nhà chàng nữa.


Danh tiếng lan truyền tận mây xanh, song Kỷ Xương ngày một già đi. Tâm trí đã từ lâu không còn vương vấn tới cung tên của ông có vẻ như ngày càng nhập vào cõi thanh khô, đạm bạc, hư ảo và yên tĩnh. Vẻ mặt vốn đã như tượng gỗ của ông nay lại mất cả mọi biểu hiện. Ông hầu như không cất tiếng. Cuối cùng, người ta không chắc ông còn thở hay không. Những năm cuối đời, lão cao thủ còn nói ông không phân biệt được đâu là mình đâu là người khác, không biết đâu là đúng đâu là sai. Đối với ông mắt cũng như tai, tai cũng như mũi, mũi cũng như mồm.


Bốn mươi năm sau khi từ biệt Cam Dăng sư phụ xuống núi, Kỷ Xương từ giã cõi đời, lặng lẽ như một làn khói. Trong bốn mươi năm cuối cùng ấy, ông không hề nhắc tới xạ thuật, nói chi sờ đến cung tên. Lẽ dĩ nhiên, là một người viết truyện, tôi muốn ông sắm một vai quan trọng trong một sự kiện kích động nào đó để chứng minh cho tài dụng cung siêu phàm của ông. Song, tôi không muốn bóp méo các sự thật đã được ghi trong sử sách. Thực sự là người ta không biết gì về những năm cuối đời ông, ngoài câu chuyện được lưu truyền sau đây.


Chuyện xảy ra khoảng một hai năm trước khi ông qua đời. Một hôm, Kỷ Xương đến chơi nhà một người bạn. Tại đây ông nhìn thấy một vật, mà ông nhớ đó là một dụng cụ song không thể nhớ nổi tên và công dụng của nó. Ông bèn hỏi chủ nhà tên dụng cụ đó là gì và nó được dùng để làm gì. Cho rằng khách hỏi đùa, chủ nhà cười to, làm ra vẻ không biết. Ông lão Kỷ Xương nghiêm nghị nhắc lại câu hỏi. Song chủ nhà không hiểu ý khách, vẫn bối rối cười trừ. Khi Kỷ Xương làm nghiêm nét mặt hỏi lại lần thứ ba thì vẻ kinh ngạc bắt đầu hiện ra trên mặt chủ nhà. Ông ta nhìn trân trân vào mắt Kỷ Xương. Sau khi tin chắc rằng khách không đùa, không điên, và tai mình nghe không nhầm, chủ nhà kinh hãi lắp bắp kêu lên: “Trời đất, thưa phu tử – cao thủ xạ thuật kim cổ vô song, ngài thật sự quên cả cái cung rồi sao? Quên cả tên gọi lẫn công dụng của nó?”


Sau đó ít lâu, tại thành Hàm Đan, hoạ sĩ giấu bút vẽ, nhạc công dứt đứt dây đàn, thợ mộc coi dùng thước là một sự sỉ nhục.


Dịch xong tại Tokyo ngày 9/9/2009


Nguyễn Đình Đăng


Nguồn TALAWAS BLOG 2009

31 thg 8, 2009

THO

Gặp gỡ



Qua rồi ngày đau bịnh
Gậy ngỡ ngàng lòng tay
Đến gần gương xem thử
Gặp cụ già hom hem



Kính trễ tràng chót mũi
Tóc nhiều muối hơn tiêu
Răng lơ thơ vài chiếc
Da vàng như mứt gừng



Lê gậy cụ tiến sát
Trố mắt dán vào tôi
Máy môi như muốn nói
Rằng tôi ông có quen



Có lẽ vậy thưa cụ
Phải rồi chúng ta quen
Tuổi già hay nghễnh ngãng
Cụ bỏ quá đi cho



Tôi nói tai cụ nghe
Cụ cười tôi nhẹ nhõm
Trí nhớ cụ tốt nhỉ
Bỗng cả hai cười vang…





Nhắn gửi


Cây Tranh
Mái Tranh
Có thể đời sau không biết đến anh
Cuộc sống tiến lên anh dạt bên lề
Rải rác hoang vu
Hoang vu rải rác
Đừng nản đừng buồn
Đó là số phận
Của sự
Ích lợi




Ký ức đơn sơ

Vũng ngày qua
Con vẫn đua thuyền
Mái Tranh Nội vẫn giắt tiền
Cột nhà Ông còn dán thuốc
Roi cày Bố mãi cầm tay
Bếp nghèo khói Mẹ mắt cay
Đồng chiều
Bạn với Diều bay

29 thg 8, 2009

TRUYEN NGAN

BÀ THÁNH CỦA HAI NGƯỜI
Truyện ngắn  NGÔ PHAN LƯU


Chín giờ sáng. Không mặt trời. Đường xương sống thị xã Thiên Di đẹp như một mỹ nữ mù.


Dưới tàn cây Tầm Sét rực hoa vàng, anh Mọn dựa ngửa trong xích-lô thiu thiu ngủ vì ế khách. Điếu thuốc cháy đỏ gần sát đến hai ngón tay thòng ra ngoài, tàn tro cong lại. Anh đã ngủ say... Nửa buổi sáng mà ngủ, ông bà thường bảo, đó là giấc ngủ của chó. Trong giấc ngủ của chó ấy, anh Mọn lơ mơ thấy mình bị xé ra từng mảnh, những mảnh ấy được nhuộm xanh, chụm lại thành cành lá của một cây có củ, giá trị lúc nào cũng vùi dưới đất!


Cũng lúc này, xuất hiện một ông khách khoảng 50, ăn mặc cẩu thả nhưng sang trọng, loạng choạng trên vĩa hè; ông dừng lại, thò tay vào xích-lô, đập mạnh vào vai anh Mọn:


- Chở ta đến thành phố.


Anh Mọn giật mình, dụi mắt. Ông khách mặt tái mét, chân râu xanh um đến tận mang tai, mắt sáng quắc, nhất định là chứa trong người đầy rượu.


Anh Mọn bước ra khỏi xích-lô, uốn lưng, vươn tay lên trời, ngáp một cái lê thê... Đó là cách lấy bình tĩnh của riêng anh. Càng ngáp dài, càng ngáp to là càng đạt đến tự chủ to, Anh nhìn ông khách lạ từ đầu tới chân, rồi cười hì hì, gãi cằm, nheo nheo mắt phải.


Ông khách nhắc lại:


- Chở ta đến thành phố.


- Thành phố nào? Đây là thành phố rồi còn gì?


- Một thành phố không chết kia... đây là thành phố chết.


Ông khách nói, nhăn nhó với vẻ thất vọng. Chắc là ông ta say đứt đi rồi.


Nghe xong, anh Mọn chớp chớp mắt, rồi nghĩ ngay đến cái nghĩa địa gần nhà. Nó cũng là một thành phố đấy chứ, tuy nhỏ hơn nhưng cũng giàu nghèo đủ cả. Anh nói bừa:


- Đựơc... Được rồi... Nghĩa địa chứ gì? Đến nghĩa địa cây số 52 nhé? Thành phố lớn đấy... Đi... về... trọn gói bốn chục... Em chở nhiều vị như thế rồi! Thưa ông anh...


- Nghĩa địa à?


Ông khách tròn mắt, tay rút lại cà-ra-vát đang xệ xuống tận ngực.


- Thì nghĩa địa là nơi không chết nữa... Du lịch nghĩa địa rất tốt... Thưa ông anh...


Anh Mọn vừa nói vừa khom người phủi phủi nệm xe mời mọc.


- Rất tốt à?


Ông khách dướn người, nhìn anh Mọn chăm chú. Hình như chuyện “du lịch nghĩa địa” làm ông tỉnh rượu.


Thấy ông khách có vẻ “ngọn cỏ gió đùa”, anh Mọn mạnh dạn, tiếp:


- Đúng... Thăm trước cái nơi thế nào mình cũng phải ở... Sao lại không tốt... Thưa ông anh...


Ông khách trề môi, ngước mặt lên trời nhìn đám mây phi nhanh như ngựa chạy, ông gục gặc đầu rồi cười phá ra, đoạn ông móc gói Man-bô-rô ra hút, chìa anh một điếu, trong mắt ông có niềm vui lướt nhanh:


- Chở ta đi... phải... Để ta coi vài kiểu nhà dặn lại con cháu... Tiền đây...


Ông khách rút ví lấy một tờ năm chục đập vào tay anh Mọn một cách dứt khoát. Ông cười hề hề:


- Cầm luôn... chú mầy khá... Làm hướng dẫn viên luôn cho ta chớ?


- Dĩ nhiên... Thưa ông anh.


Anh Mọn cất tiền vào túi, cài nút cẩn thận, cười toe toét, ló hai chiếc răng sún.


Ông khách vào xích-lô, ngồi tréo chân chữ ngũ, ngã người ra sau, phì phèo thuốc lá. Anh Mọn cũng thót lên yên, gò lưng đạp. Anh thấy mình không là loại cây có củ nữa, mà là loại cây có trái hẳn hoi, giá trị rất dễ thấy, nó nằm ngay trong túi áo anh vừa cài nút.


*


Anh Mọn (tên đầy đu:û Nguyễn Văn Bé Mọn) nay 27, cao1m9, có nghề xích-ô từ nhỏ. Trông anh như người thượng cổ còn sót lại. Râu tóc như rễ tre, ngực tay lông lá, mũi hểnh (nămg ngửa ngủ, nước nhễu vào), xương hàm vầu ra, hai nếp nhăn dao xé nơi khóe miệng... nhưng anh lại có đôi mắt thật hiền, đôi mắt của loài bò nghé.


Nhà anh (một cái trại thì đúng hơn) nằm sát nghĩa địa cây số 52.


Mùa hè năm kia, bụng anh bỗng sưng to, cứng lên như cái vò sành, chạm vào rất đau đớn, da lại vàng như nghệ. Anh nằm ngửa thở phì phèo chờ chết.


Nhà quá nghèo, không đi bác sĩ nổi, vợ anh lập bàn thiên tại nghĩa địa, chị phục xuống đất cát, khấn vái suốt đêm, kiên trì cả tuần không ngủ, đầu tóc bơ phờ, quần áo lấm láp... Lạ thay. Anh khỏi bệnh. Không chết. Nhưng cuối năm ấy, vợ anh lại chết vì tai biến mạch máu não. Anh khóc thảm thiết, suýt mù mắt.


Nay anh chỉ một mình, ăn đâu cũng được, ngủ đâu cũng xong, như đám mây trên trời, tụ cũng được mà tan cũng được, không quan trọng gì.


*


Khi xe xich-lô ra đến quốc lộ 1A, anh gợi chuyện với ông khách:


- Đi dạo giữa những mồ mả... thích thú không gì bằng. Thưa ông anh.


Ông khách ngồi trong xich-lô im lặng không nói gì. Ông lơ đãng hút thuốc.


Anh Mọn vừa đạp vừa nói tiếp:


- Nhất là đi lúc chiều tà... thâm vào đêm một chút càng tốt... Người chết họ hiền lắm... Không như người sống... “Bà đầm” em quí trọng người chết... Nay em cũng thế...


Ông khách vẫn im thin thít. Hình như ông ta đang suy nghĩ, hay buồn phiền, hay đang khóc thầm, chẳng hiểu.


Anh Mọn lại tiếp, giọng to hơn:


- Ông anh sẽ ngắm một ngôi mộ nguy nga xây 100 triệu... Ông anh sẽ nhìn một nấm mộ đất thấp lè tè mà tấm bia chỉ là hòn dá nhặt ngoài đường, được nguệch ngoạc bằng mấy chữ sơn đen... Lạ kỳ... Ông anh sẽ thấy nó cũng vậy... Rồi ông anh thương cả hai...


Không nghe động tĩnh, hình như ông khách đã ngủ. Anh Mọn giật thả cái cần thắng xe kêu “tróc... tróc”, anh nói lớn:


- Ông anh ngủ rồi à?


- Không... Ta đang nghe...


- Ý ông anh thế nào?


- Ý ta... chết là xong... nhưng con cháu không cho ta xong... chúng nó sẽ đình đám rình rang đấy...


- Đúng vậy... Thưa ông anh... nghĩa địa là nơi người sống nổ lực của cải để tròn chữ “hiếu” chữ “thương”... Thế cụ ông cụ bà mất, ông anh có rình rang không?


- Có.


- Thế sao ông anh lại trách con cháu?


- Thôi... không trách nữa... Chú lung tung quá... Ta đang nhức đầu...


Anh Mọn cười thầm. Anh bỗng thấy mến ông khách. Ông ấy cứ như người chết rồi. Dễ thương thật. Anh Mọn lại hỏi:


- Ông anh ở đâu?


- Ở nghĩa địa...


- Hừ... Ông anh giỡn hoài...


- Thì trước sau gì cũng ở...


- Đúng vậy... Thưa ông anh... Em cũng thế. Trên đời chỉ có chết là to nhất, không có gì to hơn... Cái chết chẳng biết ở đâu, nó mò ra... chạm nhẹ vào ta... là ra nghĩa địa... Có thể nó ở trong cái chai cũng nên, hay trong mũi dao, trên giường, trong cây gai, nơi lốp xe... thậm chí trong cả nụ cười của người đẹp... cũng nên.


- Chú là nhà thơ à?


- Không... Nhà xích-lô... Những chuyện ấy là của “bà đầm” em đấy.


- Thế “bà đầm” nay bao nhiêu?


- Ba mươi... Lớn hơn em ba niên... Một bậc kiên nhẫn hy sinh cho kẻ khác... Kẻ khác ấy là em... và cả những người em không biết...


- Ối dào! Nịnh vợ quá ta.


- Không phải nịnh... mà là hiển nhiên như thế... Ông anh ở bên Tây về thăm quê chắc? Nghĩa địa bên ấy ra sao?


Đến đây, ông khách không trả lời mà ra lệnh:


- Đạp quay trở về.


- Chưa tới nghĩa địa mà...


- Lòng ta đã sẵn một nghĩa địa rồi!... Không đi kiếm đâu xa...


- Ồ!... Ra vậy. Lòng em cũng có một nghĩa địa xâu xấu từ một năm nay...


- Quay về... nhanh lên...


- Dĩ nhiên... Thưa ông anh... “Nghĩa địa em” sẵn sàng chở “Nghĩa địa ông anh” đi đâu cũng được...


Vừa nói, anh Mọn vừa nhìn qua nhìn lại, rồi cua xe, anh gò lưng đạp về hướng thị xã.


Có lẽ cái ông khách này giàu, nhưng đang thất tình đây. Khổ... Anh Mọn chuyển hướng câu chuyện:


- Rút cục... chỉ có người tình là quan trọng ngang hàng với nghĩa địa mà thôi...


- Thế à...?


Giọng ông khách có vẻ giật mình và run run.


Anh Mọn nói tiếp:


- “Bà đầm” em bảo thế... Bà ấy còn bảo chỉ hai nơi ấy là cái máng còn lại duy nhất để ta rót hết đời sống vào...


- Ôi dào... Quá đúng.


- Thế ông anh cũng cho đúng à?


Ông khách nín thinh. Ông đốt thuốc chìa lên cho anh một điếu. Anh Mọn đỡ lấy, rít liền mấy hơi, phà khói mù mịt.


- Chú nói... nói... nữa ta nghe... “Bà đầm” còn bảo gì nữa...


- À... “Bà đầm” em còn nói... Sống một kiếp người... thì ngu muội cũng là cái quyền mình cần phải tranh đấu mà giành lấy... Trong ấy đựng nhiều hạnh phúc lắm... Nhưng khi lấy em... Bà ấy khôn quá... nên chẳng có hạnh phúc gì... mà chỉ có đọa đày...


- Ối trời... “Bà đầm” dám nói vậy?


- “Bà đầm” em là bà Thánh mà... Bà sợ ai mà không dám. “Bà đầm” em còn nói... Hạnh phúc sẽ “tiêu tán đường” nếu quá mơ ước nó... Hạnh phúc đơn sơ lấm láp lắm... Hạnh phúc biết cười biết khóc...


- Nói nữa đi... Nghe được...


- Không nhớ nổi... Đại khái là thế...


Đột ngột, ông khách la lên:


- Quay xe lại... Chở ta đi nghĩa địa... Ta và chú sẽ đi dạo trong chiều tà... Bảo “bà đầm” chú nấu cơm ta ăn luôn... Tiền đây...


Ông khách rút một xấp tiền, chìa lên phía mui xích-lô.


- Nhưng “bà đầm” em chết rồi... Năm ngoái... Thưa ông anh.


- Hả...?


Xấp tiền rớt khỏi tay ông khách, bay lung tung xuống mặt đường nhựa. Anh Mọn thắng xe, nhảy xuống lượm gom lại.


Ông khách như trúng gió, sùi bọt mép, môi mắt giật giật, nhưng cố thều thào:


- Chết thật rồi ư...


Nhưng ông lấy lại được bình tĩnh rất nhanh. Ông giống Rô-bốt quá chừng.


Anh Mọn đem tiền lại, ông khách xua tay, nói như hét:


- Cho chú... Chở ta về thành phố... Vào quán rượu ngay...


Anh Mọn cất tiền vào túi, những 6 tờ năm chục, anh lại thấy mình là loại cây có trái hẳn hoi, mà sai trái nữa chứ.


Anh cua xe lại, thót lên yên, rướn cẳng đạp về thành phố.


- “Bà đầm” chú chết bệnh gì?


- Tai biến máu não.


- Thế mộ ở đâu?


- Ngoài nghĩa dịa... Chỉ là một nấm đất lè tè...


- Vợ chồng chú có con không?


- Không.


Ông khách lại la lớn:


- Quay xe trở lại nghĩa địa...


Anh Mọn lại ngoan ngoãn ngó trước ngó sau rồi cua xe lại hướng nghĩa địa. Giờ thì anh có thể đạp chạy vòng tròn một chỗ cũng được, miễn là ông khách muốn.


Đi một quãng, chẳng biết suy nghĩ gì, ông khách lại hét lớn:


- Quay xe lại thành phố... Vào ngay quán rượu... Ta không cần nghĩa địa...


Anh Mọn lại nhẫn nại quay xe, gò lưng đạp về hướng thành phố.


*


Tại nhà hàng Phương Phương, ông khách lôi anh Mọn vào cùng uống. Ông khách uống tợn, không ăn gì. Đã hết một chai Remy Martin, ông gọi chai nữa. Ông ngồi nóng nảy, loay hoay và loạng choạng. Bỗng ông chống hai tay lên bàn, rướn người nhìn sững anh Mọn có đến một phút, rồi nước mắt trào ra. Ông run rẩy móc ví rút khoảng 20 tờ 100 đô la dúi vào túi áo anh Mọn. Anh Mọn cản lại, nhưng ông giận dữ hét toáng lên như người điên:


- Chú mày không thương “bà đầm” à?


Rồi thật đột ngột, ông dịu xuống mếu máo:


- Bà Thánh của chú... cũng là bà Thánh của ta... Chỉ là ít tiền xây mộ thôi mà...


Anh Mọn sững sờ cầm lấy xấp tiền, anh thấy mặt ông khách đầy nước mắt... Anh cũng khóc hu hu như trẻ con:


- Cảm ơn ông anh... Ông anh cũng quen “bà đầm” em à?


Anh quệt ống tay áo chùi nước mắt:


- Cho dù ông anh là gì đi nữa... Chồng hay người tình cũng được... “bà đầm” em có quyền như thế... Em đây cũng cảm ơn... Cũng ghi ơn...


Anh Mọn chống tay đứng dậy, mếu máo tiếp:


- Ngày mai em cho xây mộ ngay... Em khắc vào tấm bia thế này: Đồng lập mộ: Nguyễn Văn Bé Mọn và ông anh nghĩa địa... Như thế có được không?


Ông khách thẫn thờ:


- Được.


- Em xin kiếu ông anh. Xin về trước...


- Được.


Anh Mọn loạng choạng bước ra khỏi nhà hàng Phương Phương. Thành phố đã lên đèn từ lâu. Anh vừa đi vừa nhét xấp tiền vào túi, gài nút cẩn thận, sợ rớt cả ngôi mộ bà Thánh của hai người. Anh đến chiếc xích-lô của mình, đang nằm âm u dưới bóng đen của Tầm Sét, một cây Tầm Sét khác cây Tầm Sét ban mai...

N.P.L