23 thg 5, 2009

Goc nhin van hoc

Nhà văn nông dân "XOA TAY VÀ CƯỜI"
Trần Hoàng Nhân

(TT&VH) - Hơn nửa tháng nay, gặp “nhà văn nông dân” Ngô Phan Lưu đang ở TP.HCM, nhìn mặt ông ỉu xìu, hỏi ra mới biết ông đang nuôi vợ bệnh. Nhưng mới đây (18/5), “lão nông nhà văn” Ngô Phan Lưu đã “xoa tay và cười” vì vợ ông vừa xuất viện và tập truyện ngắn - tản văn Xoa tay và cười của ông cũng vừa được NXB Văn học và Công ty Nhã Nam ấn hành còn thơm mùi mực. “Lão nông nhà văn” Ngô Phan Lưu được làng văn cả nước biết đến vào năm 2007 khi ông đoạt giải Nhất cuộc thi truyện ngắn của báo Văn nghệ với hai truyện Buổi sáng biến mất và Cơm chiều. Cơm chiều đã được NXB Phụ nữ lấy tên làm tập sách gồm 18 truyện ngắn và 14 tản văn của ông vào năm 2008. Ông cho biết Cơm chiều sẽ tái bản trong năm nay.
Ngô Phan Lưu
Xoa tay và cười gồm 14 truyện ngắn và 25 tản văn... vẫn một phong cách của Ngô Phan Lưu. Trong các truyện ngắn ở Xoa tay và cười, nếu độc giả có “gốc ruộng”, đặc biệt là “gốc ruộng” ở Nam Trung bộ sẽ dễ dàng nhận ra con người và quê hương bùn đất rạ rơm của mình qua từng câu chuyện của ông.
Những câu chuyện như Làng quê thì mênh mông, Xoa tay và cười thể hiện khá rõ phẩm chất đó trong trang văn của một tác giả từng cầm cày, cầm cuốc. Trong tập sách này, “lão nông nhà văn” còn mở rộng trang viết khi hướng đến những thắng cảnh quê ông như truyện Gành Đá Dĩa. Ai chưa biết Gành Đá Dĩa, một địa danh có cảnh đẹp rất thơ mộng thuộc huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên đọc rồi sẽ biết. Chẳng thế mà nhóm làm phim “Discovery Việt Nam”, đã chọn Gành Đá Dĩa làm nơi mở đầu cho loạt phim khám phá địa lý, cảnh đẹp của Việt Nam. Trong truyện này, Ngô Phan Lưu mượn chuyện tình gái trai để lồng vào đó khung cảnh của quê mình. Xoa tay và cười còn “mỏng” và “nặng” ở phần... tản văn. “Mỏng” bởi trang viết quá ngắn, song lại khá “dày” nhờ ký ức, vốn sống “nhà quê” của tác giả đã tích lũy, vun đắp cho từng câu chuyện ấy. Cầm cuốn sách còn thơm mùi mực, lão nông Ngô Phan Lưu “xoa tay và cười” khi đem so nhuận bút với số viện phí ông đã trả khi nuôi vợ bệnh, dù chẳng đáng là bao. Ông “xoa tay và cười” bởi: “Xem ra, bỏ cày để cầm bút cũng dễ sống hơn”. Ngô Phan Lưu có gần trọn đời cầm cày, ông cầm cày như một định mệnh. Những người thân với Ngô Phan Lưu biết rằng ông có học vị cử nhân ngành Triết của ĐH Văn khoa Sài Gòn (cũ). Học thế, nhưng ông vẫn cầm cày, bởi lẽ hạt lúa làm ra nuôi sống được gia đình ông yêu thương. Sau một đời bám ruộng, khoảng 10 năm gần đây, ông mới có cơ hội cầm bút để làm ra những con chữ cho riêng mình. Ông bảo: Giờ tui đã “xoa tay và cười” được rồi - dẫu tuổi của ông đã gần “thất thập cổ lai hy”.
THN
(Nguồn báo Văn hóa & Thể thao)

1 nhận xét:

nguoidentubienvang nói...

chú Lưu a

cháu là Thanh Thuận ở báo giađình&xã hội muốn được phỏng vấn chú thì liên hệ qua số đt nào cho tiênj

số đt của cháu là 097 879 6787