21 thg 5, 2009

Goc nhin van hoc


LÃO NÔNG XOA TAY VÀ CƯỜI


Lê Thiếu Nhơn


Sau khi đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ năm 2007, những trang văn của lão nông Ngô Phan Lưu từ một xóm nhỏ miền Trung có cơ hội lan tỏa đến công chúng khắp cả nước. Năm ngoái, nhà xuất bản Phụ Nữ đã in cho ông tập “Cơm chiều”, năm nay truyện ngắn và tản văn của ông mới viết xong lại được nhà xuất bản Văn Học ấn hành với tên gọi “Xoa tay và cười”. Điều ấy có lẽ ít nhiều cũng chứng minh rằng, văn chương mang dấu ấn Ngô Phan Lưu đã có bạn đọc!
Ở tuổi 64, Ngô Phan Lưu không còn đủ sức để cấy cày trên mảnh ruộng từng in dấu chân lầm lũi cả cuộc đời mình nữa, nhưng ông tỏ ra dồi dào sinh lực khi “cấy cày” trên cánh đồng chữ nghĩa. Mỗi ngày Ngô Phan Lưu ngồi trước màn hình máy tính và gõ bàn phím với bộn bề ý nghĩ dành cho đất đai đã độ lượng cưu mang, nhân duyên đã may mắn gặp gỡ. Cảnh quê đã khác, người quê đã khác, trắc ẩn hơn, sôi nổi hơn và cũng day dứt hơn. Chuyện gì kết cấu được truyện ngắn thì ông cho ra truyện ngắn, chuyện gì chia sẻ được tản văn thì ông cho ra tản văn. Nhờ vậy, truyện ngắn và tản văn của Ngô Phan Lưu không vì đặc trưng thể loại bị tách riêng biệt, mà bổ sung cho nhau trong khao khát phác thảo bức tranh nông thôn hiện đại.
Trong tập “Xoa tay và cười”, 14 truyện ngắn và 25 tản văn như hai mảng màu sắc tương hỗ trực tiếp phản ánh cuộc sống làng quê ngổn ngang và nhân ái. Những truyện ngắn “Cái nhếch môi”, “Việc trên đường” hay “Sương ngọt” có nhiều chi tiết đớn đau, nhưng lại gợi lên cho chúng ta thao thức về ơn nghĩa ở đời. Những tản văn “Thú câu ngầm”, “Bắt bộ cua đinh dân gian” hay “Đi bộ buổi sáng” tưởng chừng miêu tả sinh hoạt bình thường, nhưng khiến chúng ta thú vị trước vẻ đẹp giản dị và thanh cao.
Ưu điểm vượt trội khi nhìn vào bút pháp của Ngô Phan Lưu là khả năng đối thoại. Tất cả tình huống đắt giá nhất đều bật ra theo lời nói của nhân vật. Đối thoại của Ngô Phan Lưu luôn dùng câu ngắn, đưa đẩy bất ngờ. Nhân vật của Ngô Phan Lưu cũng không có gì đặc biệt, rất dễ bắt gặp đâu đó xung quanh mỗi ngày, họ mộc mạc, thẳng thắn và đôn hậu. Ngay cả khi vấp váp hoặc sai lầm, những con người lặng lẽ ấy luôn biết cách tỉnh ngộ, biết cách dằn vặt, biết cách ăn năn. Dường như sau từng nỗi bất hạnh của những con người lam lũ, luôn có ánh mắt nâng đỡ của tác giả Ngô Phan Lưu!
Chăm chú viết về nông thôn, nhưng Ngô Phan Lưu không gò ép văn chương mình vào bến nước, con đò chậm rãi và thụ động. Làng quê của Ngô Phan Lưu chuyển động theo sự phát triển, dẫu có xót xa, dẫu có đắng đót, dẫu có ngậm ngùi. Giữa những bước chân đổi thay, Ngô Phan Lưu lo âu “Loại người mới” sẽ xuất hiện: “Cõi đời có bốn loại người hẳn hoi. Loại nói thật suốt. Loại nói láo suốt. Loại lúc thật lúc láo. Loại cần thật thì thật, cần láo thì láo. Nhưng nay có loại người mới, đó là loại không bao giờ láo vì họ không bao giờ thật…Loại này chúng ta không thể thương, không thể ghét, không thể tởm được. Loại này là người máy!”. Chúng ta biết ứng xử làm sao với loại người vô cảm? Câu hỏi ấy là một nỗi âu lo lương thiện!
“Xoa tay và cười” không phải cuộc ngẫu hứng của một lão nông rẽ trái sang văn chương. Sự chuyên cần vốn có của một người cầm cày đã biến thành sự suy tư của một người cầm bút, phản ánh qua truyện ngắn “Trò chuyện” giữa nhà văn với…Ngọc Hoàng. Và lời của Ngọc Hoàng có thể chẳng khác gì tâm niệm thường trực ở Ngô Phan Lưu: “Những nhân vật sung sướng đã ra khỏi sách của nhà người rồi, mà không ngoảnh lại. Nhà ngươi tạo ra chi họ? Còn những nhân vật trầm luân cơ cực, cứ nằm đấy mà than trách nhà ngươi. Nhà người tạo ra chi họ? Chuyện lỡ rồi. Bọn đau khổ kia để ta sửa lại. Riêng nhà ngươi hãy về nhà nghĩ lại đi. Nghĩ cho kỹ, cho chín vào!”


L.T.N (Nguồn báo NÔNG NGHIỆP VN)

Không có nhận xét nào: