25 thg 5, 2009

Goc nhin van hoc

Xoa tay và cười chính mình
Phương Quyên

SGTT - Ông cụ râu tóc bạc phơ nói không với phòng tắm, ngồng ngỗng tưới mình nơi vòi nước trong sân, bất chấp ánh nhìn của con cháu, khách khứa. Chàng thanh niên hối lộ chính tay mình bằng nhẫn, đồng hồ… để chúng đồng ý đưa “của quý” ra khỏi chốn “khuê phòng”, làm chuyện “tiểu sự”
Anh bạn mắc chứng “mượn sách”, mà chỉ lựa sách dày, nặng như từ điển mà mượn rồi đem về nhà chất đống… Nếu đứng riêng lẻ, bất quá ta cũng chỉ tự nhủ “cái cha nội này thấy quen quen” hay suy diễn thêm chút triết lý rằng thói đạo đức giả nhiều ghê, bệnh hối lộ đang tăng nặng đến mức chính mình cũng phải lót tay… Thế nhưng, khi những “gàn nhân” ấy tập hợp tại Xoa tay và cười(*), đám đông khác người này lại tạo nên một cõi lạ, không phải vì tiểu tiết của từng con người. Họ nhắc nhớ, hình như, ai cũng có cái “khác” của riêng mình nhưng cố giấu để có thể hoà vào cái gọi là tập thể, để tránh đi những ánh mắt, những câu xầm xì… Giấu mãi, người ta quên mất: cái khác ấy lại chính là mình. Ờ, đến lúc này mới ngớ ra, vậy là nãy giờ đang bĩu môi, xoa tay, cười cợt chính bản thân mình đấy!
Truyện của Ngô Phan Lưu không gay cấn như kiểu đưa nhân vật đến tình tiết, đẩy mâu thuẫn đến cao trào. Mỗi truyện ngắn là một cuộc gặp gỡ thường nhật. Thế nhưng, cách kể chuyện kiệm từ trong từng câu lại phác hoạ rõ ràng, sinh động và kéo hẳn người đọc vào cuộc gặp ấy, như một vị khách vô hình. Ăn vụng, nghe lén… thể nào mà chả ngon, chả thích!
Có nhiều giấc mơ trong Xoa tay và cười. Có khi cơn mơ đến tình cờ, như việc cho mượn xuồng và nằm mơ thấy mình cùng người mượn đi lưới cá (Chú Gộc). Có lúc người nằm mộng tỉnh rồi vẫn còn luyến tiếc và gắng mơ tiếp (Sương ngọt). Cũng đúng! Chỉ có cơn mơ mới giải thích được cái màn sương mờ, tạo nên từ những tình tiết mang tính chất liêu trai trong tập sách. Thế nhưng, sau mơ luôn là thực. Nhân vật anh Tư trong Thăm cây xoài đại lão có cung kính xin phép… thăm cây xoài trong đêm thì vẫn chỉ vì cây xoài là một công cụ tác nghiệp của mình. Vậy ra, có khoác chiếc áo hoang đường lên cuộc sống này, có phỉnh phui sự thật bằng mọi lời lẽ hoa mỹ hay nói giảm, nói tránh thế nào thì nó vẫn tồn tại như vốn dĩ.
Chứng kiến những mơ, thực của nhân gian, cách tốt nhất vẫn là xoa tay và cười. Cái cười đính kèm cái lắc đầu chống đối, gật đầu thoả hiệp hay là cái cười theo kiểu nhếch môi lạnh của bức tượng Khổng Phu Tử đứng ở Văn Miếu, nhìn con người và sản phẩm của con người trôi xuyên qua thời gian, thì còn… tuỳ.
Phương Quyên
(*) Tập truyện ngắn – tản văn của Ngô Phan Lưu, Nhã Nam – nhà xuất bản Văn Học ấn hành. Giá bán 43.000 đồng

Không có nhận xét nào: