27 thg 4, 2009

Tap but


Chí ngu mà cũng chí thành


Có những người đã hành động chí ngu, nhưng xem ra lời nói của họ lại chí thành. Hành động và lời nói của họ đều chân thật với tâm trí họ. Như thế, họ vẫn còn là con người. Hôm qua, đi nằm võng nghỉ trưa, tôi bốc bất kỳ quyển sách trên kệ mang theo như thường lệ, đọc bất kỳ vài trang để dỗ giấc ngủ. Một thói quen có lợi cho học hỏi nên tôi mãi duy trì. Nhưng thay vì ngủ, lại thức. Thay vì học hỏi, lại chán ngán. Thức, không ngủ được, vì câu chuyện trong sách buộc tôi phải cười mếu, phải để tâm suy nghĩ. Chán ngán vì xem ra mọi thời đều có, không hề lỗi thời xưa cũ đối với thời đại ngày nay, tinh thần ấy vẫn bàng bạc cho đến ngày nay. Nghĩa là chuyện cứ vẫn mới tinh. Đó là chuyện “Mê vàng” trong sách Liệt Tử. Chuyện “Mê Vàng” như sau:
“Xưa kia có người ở nước Tề mê vàng. Sáng sớm thay xiêm y, đi ra chợ, đến hàng người đổi tiền, chộp một khối vàng, rồi thản nhiên đi.
Người ta bắt anh, hỏi: “Tại sao giữa đám đông, anh dám đoạt vàng của người khác như thế?”
Anh ta đáp: “Lúc tôi thấy vàng, tôi đâu còn thấy có thiên hạ xung quanh nữa”.
Câu chuyện chỉ có vậy nhưng đã làm tôi suy nghĩ. Câu chuyện lóe lên như một ánh chớp nhỏ nhoi, ngoằn ngoèo, nhưng sau đó tiếng sấm của nó lại vang to. Cái anh “mê vàng” này đã thốt lên những lời thật lòng đấy chứ. Anh ta thú thật mình chỉ biết có vàng, ngoài ra không còn biết gì nữa. Vàng đã làm mờ mắt anh ta rồi. Vàng hoàn toàn sai khiến anh ta. Vàng hoàn toàn ngự trị cuộc sống anh ta. Vàng là trên hết. Khi một người đã như thế, thì còn nói gì đến việc quan tâm người khác có sống hiện diện chung quanh, làm gì có đạo lý, có nhân nghĩa và còn luật pháp. Anh ta bất chấp tất cả, anh ta chỉ biết có vàng. Và mọi phương tiện đều tốt nếu đem được vàng về nhà. Đơn giản và thẳng tiến đến hãi hùng.
Vàng hay tiền cũng thế. Hễ có tiền là có vàng, có vàng là có tiền. Những người mê tiền, ham tiền cũng thế. Họ chỉ biết có tiền và cũng bất chấp tất cả. Phương tiện nào cũng tốt, nếu nó đem lại nhiều tiền vào túi mình. Lương tâm đối với họ chỉ là con số O, thậm chí còn âm (-) số O. Lúc đó, sự đê hèn sẽ vẫy vùng cho mà coi.
Đại văn hào Ái Nhĩ Lan Bernard Shaw trong thi tập gồm 5 vở hài kịch “Ngược dòng đến ông Bành Tổ Mathusalem” ở tuồng thứ tư, ngài có tiên đoán vào thời gian khoảng sau năm 3.000, sự “đê hèn” được xem như một đức tính cao thượng, có thành lập nhà thờ hẳn hoi để ca ngợi nó ở Falstaff. Ối trời! Thật dị thường đến mức khôi hài, nhưng biết đâu có thể xảy ra. Nhưng cũng không sao, vì lúc ấy mình đã thành “đất” rồi, khỏi phải ưu tư, phiền muộn. Mà ưu tư phiền muộn cái nỗi gì, vì món này ở thời điểm ấy là vô đạo đức.
Ngẫm lại thời nào cũng có kẻ mê vàng, mê tiền nhưng ở mức mức độ nặng hay nhẹ mà thôi. Dĩ nhiên, mức độ mê vàng của anh chàng nước Tề này quá nặng, nên anh ta đã hành động chí ngu để bị người ta bắt. Nhưng có một điều là anh ta chưa đê hèn, vì anh ta dám nói lên sự thật lòng tham vàng của mình. Lời nói anh ta chí thành. Anh ta vẫn còn là con người. Còn biết bao kẻ mê vàng cũng như anh ta nhưng họ dối lòng, mồm nói toàn chuyện ngon lành, nhân nghĩa, như thế họ mới thật sự đê hèn. Họ không còn là con người nữa cho dù họ vẫn là con người.
Cái anh chàng mê vàng nước Tề chắc chắn đã chết rồi. Xương tàn cốt rụi rồi. Những người bắt anh ta cũng chết cả rồi. Nhưng chuyện của anh ta chắc chắn vẫn còn sống mãi. Hành động chí ngu của anh ta vẫn còn sống mãi. Và cả câu nói chí thành của anh ta vẫn còn sống mãi…


Ngô Phan Lưu



Không có nhận xét nào: