27 thg 4, 2009

Phong Van


Ngô Phan Lưu trả lời phỏng vấn Tạp chí ĐƯƠNG THỜI


ĐT: Từ một trí thức – nông dân ẩn dật với ruộng đồng, gần cuối đời “nhảy” vào làng văn và gặt hái được một số thành công. Điều đó có nghĩa ra sao đối với ông?
NPL: Tôi là một nông dân được học hành tử tế, đã mê văn chương từ nhỏ, nhưng chưa coi văn chương như mục đích cuộc sống. Gần cuối đời, sức khỏe yếu dần, cầm cày không nổi nên chuyển sang cầm bút. Đã quen cày, nên không cày ruộng thì cày văn. Tránh nhàn cư vi bất thiện. Còn nhớ, thầy giáo hồi thơ ấu rất mừng khi biết học trò mình cày văn. Thầy hỏi tôi: “Anh biết cày văn khác với cày ruộng chỗ nào không?”. Tôi do dự... Thầy cười, vỗ vai: “Có quái gì mà suy với nghĩ. Cày văn là cày vào chính mình. Còn cày bên ngoài mình, việc ấy là cày ruộng”. Tôi đã nghe lời Thầy và gặt hái một số thành công về mặt truyện ngắn. Tôi không “nhảy” vào làng văn. Đấy là làng văn chấp nhận tôi. Thế nên, tôi cũng tự nhủ phải cố gắng, cố gắng hơn nữa…để không phụ lòng ưu ái của làng văn.
ĐT: Có lúc nào chợt ngẫm lại, ông thấy làm ruộng làm vườn sướng hơn cầm bút? Đường văn của Ngô Phan Lưu có gì khác biệt so với các nhà văn khác?
NPL: Khi hỏi câu này, có nghĩa là ông đã biết tôi bị khổ vì cầm bút rồi. Đúng thế, không sướng nổi. “Ngẫm lại” cái gì, nó khổ sờ sờ ra đấy. Không những sờ sờ mà còn đeo đẳng. Nhưng cũng chẳng gì quan trọng. Nghề nào, nghiệp nấy. Đường văn mỗi nhà văn mỗi khác, như thế mới gọi là nhà văn. Còn giống nhau cả, như xuất từ một lò… thì đấy là chòi văn. Dĩ nhiên, tôi phải khác những người khác. Khác đến nỗi, tôi phải tự tập mình chấp nhận mình nữa kìa.
ĐT: Cho tới thời điểm này, nhìn lại tác phẩm của mình, ông có hài lòng? Và, nếu tự chọn khoảng 5 truyện ngắn hay tạp văn ưng ý nhất, ông chọn những tác phẩm nào?
NPL: Cho tới thời điểm này, tôi đã viết khá nhiều Truyện ngắn và Tạp văn. Tất cả chúng, tôi không có gì phải phàn nàn. Đó là những mảnh vỡ ra của tinh thần mình. Dĩ nhiên có truyện hay truyện dở, bài hay bài dở, nhưng tất cả đều là bầy con mình. Tôi hài lòng đều. Tôi thương chúng là tôi thương tôi. Thế nên, lâu lâu có đứa nó hại mình, tôi lại thương cái thằng đó hơn. Tôi không thể chọn năm truyện ngắn hay tạp văn ưng ý nhất, vì cái ưng ý của tôi luôn thay đổi theo hướng tiến bộ của nhân loại.
ĐT: Được biết sắp tới Cơm chiều sẽ được tái bản cùng lúc hai tập truyện mới được in. Ông có thể cho biết vài nét về hai tác phẩm này?
NPL: Không phải hai tập truyện mới được in. Chỉ có một tập được in. Tác phẩm mới này cũng chủ yếu về nông thôn. Viết về những cố gắng cật lực để giàu lên, và cả những phập phồng lo âu cùng những suy tư trăn trở của nông dân đời mới. Nói là nói vậy, nhưng chừng nào tác phẩm in xong, cầm được trên tay, tôi mới vui mừng. Còn bây giờ nói trước bước không qua, tôi chưa muốn nói về nó.
ĐT: Văn của Ngô Phan Lưu có người thích, có người chẳng thích. Đó cũng là lẽ thường tình. Ông có sợ tới một lúc nào đó, những trang viết của mình mãi mãi “về hưu”, chẳng còn ai nhớ đến?
NPL: Tôi viết văn không phải để làm vừa lòng mọi người. Tôi chỉ viết trung thực những gì mình nghĩ, mình cảm, mình thương, mình ghét. Cũng thể như để giải tỏa lòng mình. Những trang văn như thế, nó là cái gì mà phải sợ nó về hưu? Những trang văn như thế, nó là cái gì mà phải mong người đời nhớ mãi? Tôi là một người bình thường, không hoang tưởng. Tôi không mong muốn hay sợ sệt kiểu như vậy.
ĐT: Bằng kinh nghiệm sống của mình, ông thấy điều gì là quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi con người?
NPL: Việc này không cần suy nghĩ. Tôi xin trả lời ngay. Đó là can đảm. Một người dẫu vàng bạc đầy mình, trí tuệ chật óc mà hèn nhát , tôi cũng coi khinh.
ĐT: Một ngày bình thường bây giờ của nhà văn Ngô Phan Lưu ra sao?
NPL: Thanh bạch, cần cù và cày. Tám giờ tối, đi ngủ. Ba giờ sáng, thức dậy. Đây là thói quen. Giờ sinh học này có thể bị chệch không giống ai, nhưng hoàn toàn không có hại sức khỏe. Khi dậy, cắm điện nấu nước. Vệ sinh cá nhân xong, ấm nước sôi. Tự túc pha trà, cà phê mang ra uống ngoài vườn. Uống xong, vào nhà ngồi vi tính. Sáu giờ, ăn sáng. Bảy giờ, tắm biển. Tám giờ, về ngủ. Chín giờ, lại ngồi vi tính. Mười hai giờ, ăn cơm. Mười hai rưỡi, ngủ trưa. Hai giờ, lại ngồi vi tính. Năm giờ, lại ăn cơm. Sáu giờ, nằm võng đọc sách. Bảy giờ coi thời sự. Tám giờ đi ngủ. Thế là tròn một chu kỳ 24 giờ. Thỉnh thoảng đột xuất bạn bè gọi nhậu, cứ thoải mái nếu sức khỏe cho phép. Không háo hức ngày mai. Không phiền muộn ngày qua. Chỉ chu toàn trong liên tục hiện tại, thế thôi.
Phan Hoàng



Không có nhận xét nào: