27 thg 4, 2009

Goc nhin van hoc



Trán của bạn tôi

Tặng N.P.L và những người bạn đã xa tôi




Dạ Ngân


Câu chuyện ban đầu được tác giả đặt tên là "Đằng sau có ai không?" Một bầy gà con sớm mồ côi mẹ, cả đàn được chị cả chăm sóc. Chị bới mồi rồi đứng sang bên để các em ùa đến ăn, suốt ngày chị dắt các em sục sạo khắp vườn để độ nhật, chị còn biết đưa các em đến cạnh lu nước của chủ nhà chực sẵn để khi con người súc miệng sau bữa ăn thì thế nào lũ gà em cũng tìm thấy những vụn cơm bở. Những chi tiết từng trải và thấu suốt. Khi bầy gà lớn, bỗng dưng có một ả gà em sinh lòng đố kỵ, nó rất hay gây sự với chị cả không từ nguyên do cụ thể nào. Chủ nhà nhốt gà chị vào lồng vì chị đã yếu và các em cũng đã đủ lông đủ cánh trường đời. Một buổi sáng, người chủ phát hiện dù gà chị đã bị nhốt, nhưng ả gà đố kỵ vẫn bám cánh vào chiếc lồng để tung vuốt tấn công chị gà. Lần đầu người chủ xua được nó đi. Ngay sau khi anh ta quay lưng đã nghe thấy tiếng gà em lại ra đòn ngay chỗ chiếc lồng úp bên giếng nước. Không kịp nữa rồi. Khi anh ta chạy tới và giở chiếc lồng ra thì gà chị đã chết và con gà phản trắc lại bị đuổi đi. Bỗng từ phía sau anh ta, một cú tấn công hết sức bất thần, ả gà em hăng tiết mổ thêm mấy nhát nữa vào con mắt đã đứng tròng của chị mình. Con người sởn gáy, chực muốn quay phắt ra phía sau để nhận biết là ai, ai đã xui khiến một con gà cật ruột đã một lần nữa giết tươi chị mình khi chị không còn chút khả năng tự vệ nào. Đằng sau có ai không, câu hỏi không có câu trả lời nhưng nó đã cất lên như một tiếng thét thấu tận trời xanh.

"Đằng sau có ai không", khi được in đã bị đổi thành một tên khác để tránh suy diễn vì ẩn ý và nhạy cảm. Tôi không nhớ tên tác giả nhưng câu chuyện và tứ truyện lại ám ảnh tôi ghê gớm. Tôi tin đây là một người đứng tuổi, nhất định phải bước từ cuộc chiến ra, được học hành tử tế và hiện còn ẩn danh với văn giới và độc giả. Tôi tin mãnh liệt vào tiên cảm của mình, một người như vậy sẽ tiếp tục xuất hiện và nhất định tôi sẽ gặp lại tác giả ở đâu đó trên báo hay trên giá sách. Đó là một người có nỗi niềm chiến binh kín đáo, một tâm trạng hậu chiến khắc khoải, một khả năng lý giải nhân sinh sâu sắc và một khát vọng hoà bình lớn lao qua toàn bộ câu chuyện có sức khái quát kỳ lạ. Tôi gieo niềm tin của mình ở chân trời, tôi hy vọng vào sự kỳ ngộ thiên lý và tôi có những cơ sở để trông đợi.

Tôi có khá nhiều bè bạn trang lứa là người của phía bên kia sau cuộc chiến. Do hoàn cảnh địa lý và công việc làm báo, viết văn mà nên. Ai là người Nam bộ đều có những quan hệ họ tộc, xóm giềng, lối phố và môi trường học hành để có không ít người thân ở bên kia chiến tuyến với mình. Chiến tranh kết thúc, mặc cho ở đâu đó trên cao phân chia lai lịch, ở tầng thấp của những quan hệ thường nhật, con người vẫn phải gặp nhau thăm hỏi, giỗ tết, lễ lạc…Đó là quy luật tự nhiên của đời sống, như sông thì phải chảy, gió thổi thì lá reo, hoà bình thì sẽ có bắt tay, làm lành, hoà hiếu.

Nói những người trang lứa tôi tức những người chỉ can dự với cuộc chiếni từ 1954 đến 1975, hiểu theo cách khác, chúng tôi dù bên này bên kia đều chung một điểm là học hành dở dang và bị chiến cuộc mang đi những tháng năm tươi đẹp nhất của đời người. Vì vậy mà khi đã gát súng, chúng tôi dễ ập vào nhau, kết bạn, quên thù. Nhưng thời gian chia cách tiếp tục kéo dài thêm 15 năm nữa, lại thêm quá nhiều bức bối đòi hỏi chúng tôi phải vượt qua như những kẻ trèo tường ăn "trái cấm". Người chiến thắng thì lòng dạ bất an, người thua cuộc thì dập bầm sinh nhai và tinh thần bị vây bức. Họ, những người bạn mới của tôi không ai là không thử tìm đường vượt biển, người đi tới nơi kẻ vào bụng cá, không ít người bị rớt lại lây lất bằng đủ thứ nghề trước khi cuộc sống phát hiện ra học lực và tài năng của họ, như tác giả của câu chuyện mà tôi đã kể ở trên.

Con đường hoà giải quá gập gềnh, nhiêu khê, nhiều bế tắc và hằn thù. Chúng ta đã để mất 20 năm lãng phí cho những việc hố hào chia rẽ. Chúng tôi là một nhúm trong hàng vạn người đã "cả gan" níu tay nhau bước đi trong bóng tối và đã tin rồi sẽ có ngày trời quang mây tạnh, như một câu hát người về mỗi ngày một đông thêm, người đi càng đi càng thưa dần .Thực tế đã mách cho dân tộc Việt Nam những bài học mới về tình thương và sức mạnh. Tiếc thay bạn bè tôi khi được ghi nhận thì đều đã già tuổi và nguội bớt khát vọng cống hiến. Nhiều người lại tiếp tục "vượt biên" bằng con đường thân nhân, cốt để cho con cháu được hưởng thụ nền giáo dục không phân biệt gì cả. May sao những người tôi tin yêu đều đã quay về hoặc sẽ quay về để thực hiện giấc mơ được ghi danh, trọng dụng.

Tôi đã không lầm khi tiên đoán tác giả của truyện ngắn lay động tình cảm của tôi là một người từng học ban Triết của đại học Văn khoa Sài gòn, từng bị động viên đi sĩ quan Thủ Đức, từng bị đi cải tạo sau thất trận và từng bằng lòng với tay cày tay cuốc suốt hàng chục năm dài. Mãi sau này tôi mới gặp được người ấy ở Hà Nội khi anh được cả nước biết đến văn tài của mình nhờ những giải thưởng văn chương. Tôi quý nhất anh ở vầng trán, nơi đó hàm chứa rất nhiều điều, niềm kiêu hãnh, sự ẩn nhẩn thầm kín và sự minh triết cuộc đời chứ không chỉ từ sách vở hay từ sở đọc. Những người bạn thân của tôi nay đang ở Sài gòn hay đang ở bên kia Thái Bình Dương đều có vầng trán đau đáu như vậy. Nhìn những vầng trán ấy tôi lại thấy được vẻ đẹp của chữ ngộ, rằng con người cần phải bình tâm, ai rồi cũng sẽ có chỗ nếu như lòng mình sáng, tâm mình trong và chúng ta đều là những người Việt yêu nước Việt theo cái cách của mình.
D.N
(Nguồn báo NÔNG NGHIỆP VN)

21/4/2009

Không có nhận xét nào: