15 thg 12, 2008

Goc nhin van hoc



Dịch giả Cao Việt Dũng

NIỀM VUI CỦA SỰ VIẾT

Đọc Cơm chiều, tập truyện ngắn của Ngô Phan Lưu, NXB Phụ nữ, 2008


Người ta chỉ có thể làm tốt việc gì đó nếu thực sự thích thú nó, và nhất là tìm được niềm vui ở trong đó. Vậy nên sản phẩm của cơn điên giận mù quáng, của sự tức tối, của một cảm giác đột nhiên chợt đến cũng có thể trở thành một tác phẩm không tồi, nhưng một sự nghiệp nếu chỉ là sự cộng dồn của những điều như vậy thì thực là… đáng buồn. Văn chương chính là nơi thể hiện nhiều nhất các trạng thái cách rất xa niềm vui ấy: cứ theo tuyên bố của các nhà văn thì người ta thường viết văn vì trăn trở, đau đớn, vật vã và nhiều trạng thái tinh thần bất thường nữa.

Ngô Phan Lưu lại thuộc vào các nhà văn sống ở trong niềm vui của viết lách. Điều này có thể nhận ra trước hết ở việc đọc văn ông người ta thấy rất vui. Điều này không còn dễ gặp nữa trong văn chương ngày nay: cảm giác trong trẻo và những nhận thức bình thường về cuộc sống xung quanh dường như đang biến mất đi theo một cách thức lạ lùng nào đó. Tất nhiên là vấn đề nằm ở văn chương “nói chung”, chứ không phải các tác phẩm được tạo ra theo một ý hướng hài hước, gây cười (mà loại văn chương này cũng đang ngày càng thiếu vắng hơn): quả thực là Ngô Phan Lưu không bao giờ cố ý gây cười, nhưng niềm vui mà người đọc thấy trong các truyện ngắn của ông cũng không đòi hỏi hình thức biểu hiện là tiếng cười, mà rất có thể chỉ là một cách vui nào đó sâu xa hơn trong lòng.

Một biểu hiện khác của niềm vui trong văn của Ngô Phan Lưu là tính chất tự đầy đủ hé lộ ở một số đặc điểm. Không gian truyện Ngô Phan Lưu không trải rộng, cũng không tìm cách trải rộng. Gần như truyện ngắn nào của ông cũng chỉ quanh quẩn làng xóm, với một điều mặc định “quê tôi”, chỉ thỉnh thoảng lắm nhân vật mới được đưa lên một chuyến xe như trong truyện “Rồi cũng sẽ qua”: “Thái có công việc phải đi Bình Thuận, tiện đường anh dự định tranh thủ ghé thị trấn An Hải thăm anh bạn cũ hồi trung học” (Cơm chiều, tr. 57), và đến cuối cùng thì nhân vật “Thái” (cái tên được lặp lại nhiều lần trong truyện ngắn Ngô Phan Lưu) cũng không đi đâu cả ngoài ngồi yên trên ghế của mình. Có vẻ như các nhân vật của Ngô Phan Lưu không bao giờ có ý định đi đâu ra khỏi làng “Thạch Thổ”. Điều đó hoàn toàn có thể được giải thích bằng việc họ không có nhu cầu đi xa, nhà văn sáng tạo ra họ cũng không có nhu cầu về các chân trời mới lạ. Không gian địa lý của truyện đã vậy, không gian văn bản cũng chẳng mấy khi trải rộng (ở đây đúng hơn là kéo dài): các truyện của Ngô Phan Lưu đều ngắn, nhiều khi rất ngắn, thậm chí chỉ cần đến vài trang sách. Truyện “Trắng đêm để gặp nỗi buồn” thuộc vào những truyện dài nhất của cả tập cũng chỉ dài hơn chục trang, và từ đây chúng ta có thể bắt gặp thêm một đặc điểm nữa của văn chương Ngô Phan Lưu: độ dài của truyện không tỉ lệ thuận với thời gian của truyện. Trong “Trắng đêm để gặp nỗi buồn” ông cụ Phiệt tám mươi tuổi có một cuộc phiêu lưu trong đêm để tìm cách cứu sống con mèo mướp của mình. Câu chuyện có kết cục khá bi thảm và đáng sợ, nhưng điều đáng nói là toàn bộ chỉ diễn ra trọn vẹn trong một đêm, với hai chiều đi lại của ông cụ từ nhà đến chùa Lăng Trì và từ chùa quay về nhà. Trong các truyện ngắn của Ngô Phan Lưu, rất khó tìm được một điều thường xuyên gặp ở đa số truyện ngắn thông thường: nhân vật của ông không lấy thời điểm làm cái cớ để đẩy suy nghĩ của mình về quá khứ hay hướng lên tương lai. Tính chất thời điểm của các truyện ngắn Ngô Phan Lưu là thực, theo nghĩa đen: mỗi thời điểm chỉ có giá trị là một thời điểm, không có sự mở rộng về các phía. Nhan đề các truyện cũng nói rất rõ điều này: ngoài “Buổi sáng biến mất” và “Cơm chiều” là hai thời điểm được định vị rất rõ ràng (sáng và chiều), nhiều nhan đề khác cũng tiết lộ tính chất nắm bắt thời điểm của truyện ngắn Ngô Phan Lưu: “Một lát trưa”, “Sự việc trong vài phút”, “Rồi cùng sẽ qua”…

Niềm vui của văn chương Ngô Phan Lưu còn nằm ở rất nhiều câu văn đầy hồn nhiên được đưa vào ngay cả các cốt truyện không mấy vui vẻ, khiến cho bỗng chốc mọi nặng nề được giảm trừ đi các hệ lụy của nó, để cho cái viết của Ngô Phan Lưu được hưởng toàn bộ sự tốt đẹp của đặc tính nhẹ không dễ tìm được giữa những âu sầu và suy tư chất đầy các trang viết xuất hiện ngày càng nhiều. Ngô Phan Lưu nói đến cái chết: “Xóm Ao hiện có hai người bệnh trầm trọng. Rất nặng. Nặng đến mức, giờ đây cái chết nhẹ ngang bằng hơi thở” (“Buổi sáng biến mất”). Rồi: “Nếu không có những tiếng roi ấy, buổi sáng không yên tĩnh đến thế. Buổi sáng yên tĩnh vì buổi sáng đã nín thở” (“Sự việc trong vài phút”). Hay: “Ôi, không thể nào tả được khuôn mặt thầy lúc ấy! Khuôn mặt trông tức cười lắm! Vừa ngạc nhiên, vừa không tin, vừa hăm dọa, vừa bán tín bán nghi, vừa bị lừa, vừa không bị lừa, vừa người lớn, vừa trẻ nhỏ, vừa nghiêm, vừa ngáo… Quả là đủ thứ hiện tượng trên đời đều tranh nhau xuất hiện nơi khuôn mặt ấy!” (“Rồi cũng sẽ qua”).

Thật tình cờ vì tập truyện ngắn Cơm chiều được xuất bản rất gần thời gian với một tập truyện ngắn khác mang nhiều nét chung có thể so sánh: đó là tập Đất dày của nhà văn Trung Quốc Lý Nhuệ (Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn 2007, Phạm Tú Châu dịch). Quả thực, thật khó để không so sánh hai tập truyện ngắn này với nhau, vì cả hai đều viết về đề tài nông thôn, nếu Cơm chiều gần như không đi khỏi làng Thạch Thổ thì Đất dày lại chỉ tập trung các tình huống ở vùng núi Lữ Lương. Và cuối cùng: người đọc đều được tận hưởng niềm vui trong các tác phẩm, mặc dù ở hậu cảnh của Đất dày là lịch sử của Trung Quốc những năm tháng lao cải, còn ở hậu cảnh của Cơm chiều vẫn thấp thoáng sự tàn ác của con người và những nỗi kinh hoàng nhiều khi ma quái của cuộc sống thôn quê.

Hơn thế nữa, Đất dày và Cơm chiều có hai truyện ngắn rất gần nhau về chủ đề, cách giải quyết tình huống và những suy nghĩ đầy rộng mở, thông thoáng: của Lý Nhuệ là truyện “Hảo hán”, còn của Ngô Phan Lưu là truyện “Một lát trưa”.

Chàng hảo hán của Lý Nhuệ là người duy nhất trong vùng dám cầm súng kíp bắn vào con báo và cũng người duy nhất dám công khai ngủ với phụ nữ, để rồi sau một chuyến săn đặc biệt khó khăn bỗng ngộ ra hạnh phúc nằm ở cuộc sống gia đình cùng với một cô gái thực sự yêu anh. Anh chàng Sĩ của Ngô Phan Lưu là chủ nợ của nhiều người trong làng nhưng sau khi ghé ngang nhà chị góa Bọn, một con nợ, anh chợt hiểu ra hạnh phúc là ở đây, trong căn nhà này, với người phụ nữ này. Mọi chuyện đều thực sự đơn giản với nhân vật của hai nhà văn chắc hẳn chưa bao giờ đọc tác phẩm của nhau.

Cao Việt Dũng

Không có nhận xét nào: