19 thg 12, 2008

Goc nhin van hoc









Nhà phê bình văn học
Nguyễn Chí Hoan

Ngô Phan Lưu xảy ra

Giữa cái tại đường mà nhìn thấy cái hoang đường; truyện không phải hư cấu mà đi trên con đường mỏng dính giữa Có và Không; một phong cách xoáy vào cái thời khắc hiện tại, kể hiện tại chứ không kể chuyện, hay là vượt qua sự kể để tìm cách đi trực diện vào khoảng rỗng vô cùng của ý thức; tất cả đó là những tính chất nổi bật trên những truyện ngắn này của Ngô Phan Lưu, trình hiện một cái nhìn lạ lùng quen thuộc-quen, là bởi ở đây toàn những người ta có thể (hay đã có lần) gặp, và lạ lùng bởi những người ấy trong trang phục hớ hênh của ý thức khiến ta thấy họ (hay thấy chính mình?) rỗng không như ảo ảnh.
Trong truyện của Ngô Phan Lưu chỉ những người là người (vâng, tôi nhại một mệnh đề nổi tiếng: “Những chữ là chữ”!)
Hầu như không có gì là sự kiện trong các truyện này, nếu bạn không định coi một vụ thiến chó bằng dây chun “văn minh, nhân đạo” (truyện “Xoa tay và cười”) là cái gì đó sự kiện.
Nhưng, dĩ nhiên, không sự kiện sao thành truyện được. Đối với tâm trí thì sự hài lòng, thỏa mãn, hay một sự nhận ra, một cơn bất mãn, một tình trạng hốt hoảng hay thấp thỏm, v.v… chính là những sự kiện.
Trong “Tâm” không có “Vật”, không có chỗ dựa cho một thói quen nào của người ta trong cõi thế giới tri giác được, sờ mó được, chẳng hạn cái thói quen quy về bản chất. Các truyện trong tập này của Ngô Phan Lưu nói rằng “tính bản ác” hay “tính bản thiện” đều không thể coi là bản tính hay căn bản của cái tâm trí người ta.
Một sự kiện kinh hoàng như lòng căm hận và ý muốn đoạt mạng kẻ khác (thậm chí hầu như đã hoàn tất hành động đó trong một khoảnh khắc lóe lên bạo nghịch của tâm trí) có lẽ đã không khởi lên, và rồi cũng không chuyển vào hành vi hiện thực, chỉ bởi cùng một lý do: “Nếu không nhìn ra cửa” (truyện). Cái tội lỗi không hoàn thành nhưng đã cấu thành. Mà ai biết được sự chuyển biến trong chớp mắt của cái tâm từ lành ra dữ đó.
Kiểu sự kiện-tinh thần đó hầu như một lời giải thích về định mệnh hay “duyên khởi”; như trong truyện “Cả hai đều vâng lời”. Ngô Phan Lưu kể lại trong truyện đó một trường hợp của loại “tình yêu sét đánh”, “tình yêu từ cái nhìn đầu tiên”.
Cái cách của ông - không chỉ ở một truyện - cho thấy những mô tả chi tiết rồi bỏ lửng, dứt khỏi thói quen đọc/viết thông thường khi mà các trần thuật hay mô tả đều phải ràng buộc với một cái đích nào đó, trả lời cho câu hỏi “Để làm gì?”. Nhưng trong các truyện ở đây thì không; và nhất là hầu như không tạo thành kiểu hàm ngụ hay ám dụ.
Cảm giác từ những lửng lơ dang dở đó truyền đạt nỗi bất an; có gì đó mơ hồ và lo lắng, không rõ vì sao; và đằng sau nó chính là cái vô thường.
Nếu tâm trí có một bản tính, thì bản tính ấy là cái vô thường - những câu chuyện ở đây dường như nói lên điều đó.
Mà trên “muôn mặt sự đời”, cái mặt ái tình là cái mặt khả ái và khả nghi hơn cả, xét về sự biểu hiện tính vô thường đó.
Trong truyện vừa dẫn ở trên và trong truyện “Gành Đá Dĩa”, không có tai họa hay bất hạnh, không có mối đe dọa hay lòng phản trắc hay bất cứ mầm tai ương tương tự nào; thậm chí, trong truyện sau, tất cả khung cảnh đều đẹp tươi, hùng vĩ, khoáng đạt và thơ mộng; nhưng vẫn luôn lơ lửng đâu đó một nỗi lo âu không rõ mặt, không hình tích; dẫu có thể có chút phảng phất hắc ám như mảng da đen đầy lông “lại giống” trên tay thiếu phụ xinh đẹp kia (“Cả hai đều vâng lời”).
Nỗi lo âu lơ lửng đó, đung đưa như quả chuông treo sợi chỉ mành, là lý do vì sao người kể chuyện mô tả nhiều đến vậy, nhắc lại nhiều vậy những câu trò chuyện không đầu không cuối của đôi uyên ương trên “Gành Đá Dĩa”.
Đừng trông đợi tác giả giải đáp cho bạn. Ông ta cũng đi tìm. Ông ta biết cái mà tìm, nhưng cái đó lại ở khắp nơi, thoắt ẩn thoắt hiện dù nhìn chung thì nó luôn lồ lộ ra đó.
Cuộc vờn đuổi hạnh phúc, cái hạnh phúc trong tầm tay hai kẻ tình nhân ở “Gành Đá Dĩa”, bởi là một cuộc chạy đua của tâm trí theo đòi cái hằng thường, một cách vô thức, nên phải dẫn đến một trong những sự kiện đích thực của tâm trí: xuất hiện cái hoang đường.
Nếu cuộc sống như một dòng chảy - Ngô Phan Lưu trong những truyện này hai lần trực tiếp đưa ra hình ảnh này - thì cái hoang đường là những bong bóng nước sinh ra trong dòng chảy đó.
Tôi sẽ mượn cái hình ảnh này cho một liên tưởng ngoại suy: nếu những bọt bong bóng hiển thị cho thấy trong nước có không khí hòa tan thì cái hoang đường cho ta thấy ranh giới rất mơ hồ và hay lẫn lộn giữa cái Có và cái Không trong hiện hữu, trong những gì ta vẫn coi là thực, là đã biết.
Một cuộc đi tìm thăm một tay nhà thơ “Xuyên Thơ Râu” nào đó ở cái nơi “Làng quê thì mênh mông” (trong truyện cùng tên) đem lại một bộc lộ căng thẳng, theo những bước chuyển rất có vẻ tự nhiên của câu chuyện, từ cái tại đường hiện hữu sang cái hoang đường.
Sự chuyển tiếp đó từ hiện tại sang hiện tại, rồi trở về hiện tại. Thời gian được kể là một buổi trong ngày. Cái hiện tại thứ nhất, trong đoạn trần thuật mở đầu ngắn ngủi, là một cảnh sinh hoạt bình thường trong các chiều kích tri giác thông thường, chỉ le lói một ánh nhìn kỳ dị, khác lạ, như dấu hiệu.
Cái hiện tại thứ hai, choán hết dung lượng còn lại của trần thuật, lập tức xuất hiện ngay khi hai nhân vật ban đầu đi tìm kẻ thứ ba - một “Xuyên Thơ Râu” mà cả hai cùng quen biết. Ở đó, lời tiếp lời, hành động tiếp theo hành động trượt qua nhau như những cặp bánh răng không thể nào ăn khớp được nữa.
Nỗi lo âu tăng dần theo mạch kể, chuyển thành nỗi sợ hiện hữu, choán đầy cái hiện tại trong đó những lời chỉ dẫn để tìm “Xuyên Thơ Râu” cứ lạc dần đi một cách tự nhiên, tựa hồ mỗi bước đi của kẻ đi tìm đều là đuổi theo mỗi bước đổi thay kỳ dị, tức thời, của kẻ được tìm kiếm.
Một câu hỏi thông thường sẽ là: có điều gì đã xảy ra với “Xuyên Thơ Râu”?
Nhưng câu chuyện này lại hoàn toàn không hướng đến chỗ đặt ra hay trả lời câu hỏi đó, mà hướng ta đến một câu hỏi khác, ngược đời: “Xuyên Thơ Râu” xảy ra ở đâu?
Các truyện của Ngô Phan Lưu trong tập này, những người là người, đã chơi một chuỗi tiết tấu đảo phách liên tục: phá vỡ thế cân bằng con người và sự kiện, nhấn bất thường vào “nhịp” của con người, biến con người thành sự kiện.
Đó là một sự thay đổi của tầm nhìn.
Nó khiến cho các truyện ở đây mang ý nghĩa triết lý rõ rệt và nhuần nhị.
Mà một biểu hiện rõ nhất là ở chỗ các truyện chỉ kẻ những khoảnh khắc hiện tại, không tính đến một thời gian hồi cố đáng kể nào. Những truyện như “Chú Gộc”, “Sương ngọt”, rất đặc biệt về phương diện này: biến cái lý thuyết hàng nghìn năm tuổi về kiếp sống và đầu thai thành một thực tại sinh động; bằng cách đó - bằng cái hoang đường hòa tan trong cái tại đường - mà mô tả cái hiện kiếp chứa đựng cùng lúc cả quá khứ và vị lai sống động (thực ra, nó giống hơn với một câu hát cũ, “… Tương lai sẽ đến. Cũng là quá khứ thôi.”)
Ta thấy ở đấy một triết học của chủ nghĩa tồn tại, trong một bài học sống động như trực giác, chung dòng chảy hài hòa với tư tưởng cổ truyền về cái Vô thường.
Tựu trung, tất cả được đưa về đúng chỗ của nó: trong con người cụ thể, trong “cái Tâm” của người như là hiện tượng, là sự-kiện-con-người.
Và có lẽ cũng như các nhân vật của ông, Ngô Phan Lưu xảy ra thật kỳ lạ trên những dòng văn vừa đạm bạc vừa hết sức sinh động, biểu lộ một cá tính mạnh mẽ một cách tinh tế, giữ được cái thô ráp tự nhiên giữa những khuôn khổ một nghệ thuật chặt chẽ của ngôn từ, rất có sức truyền cảm.


Nguyễn Chí Hoan

Không có nhận xét nào: