21 thg 3, 2009

Truyen Ngan














QUÊ BẠN

Truyện ngắn Ngô Phan Lưu

***
“Không còn xa lạ với độc giả cả nước, Ngô Phan Lưu trở thành một thương hiệu truyện ngắn đặc sắc từ khi đoạt khôi nguyên Cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ 2005-2006.
QUÊ BẠN không lấy bối cảnh nào khác ngoài làng quê tác giả thông thuộc như chính tâm hồn mình. Nhân vật cũng không ai khác ngoài những nông dân vừa mật thiết vừa kỳ dị với chúng ta. Ngoài hai vị lão nông hành xử dân dã nhưng nói năng câu nào thấm thía câu ấy, truyện còn có thêm một nhà sư để: “Nhìn sư Bản cười, bao nhiêu công danh sự nghiệp, nếu có, đều rơi lả tả”.
Khoảnh khắc trong veo xưa cũ nhưng qua vài chi tiết cực kỳ tinh nhạy và sắc sảo, tác giả cũng cho thấy một làng quê phập phồng tai ương, chống đỡ.
Ngô Phan Lưu đã có khoảng 50 truyện ngắn về nông thôn được in ra. Đẫm buồn hoặc thoáng vui hay chỉ để chiêm nghiệm. Hình như tác giả đang xoay nông thôn thân thuộc của mình trong lòng bàn tay như người ta xoay một khối vuông rubic, và mỗi ô vuông nhỏ là một phát hiện để rồi ta sẽ có một nông thôn đầy đặn với tất cả sự ngổn ngang phi lý mà vẫn lấp lánh thú vị”.
Nhà văn Dạ Ngân
(Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 11-2009 ngày 22-3-2009)










***

Chủ nhật rồi, Lãm rủ tôi về quê anh chơi.
Anh giới thiệu:
- Thưa bố mẹ, đây là Thuần Túy, một nhà văn, có lẽ nổi tiếng...
Nghe thế, tôi gạt mạnh vào bụng anh, và thấp đầu chào ông cụ, bà cụ.
Ông cụ mời ngồi, hỏi đột ngột Lãm:
- Sao lại “có lẽ”?
Tôi cười, đáp thay anh Lãm:
- Thưa cụ, vì anh ấy không bao giờ đọc bài nào của cháu, anh ấy chỉ ngửi, nên đoán là “có lẽ”.
Bố anh Lãm, nhìn tôi, cười vui vẻ, châm trà, lại hỏi:
- Thế anh nổi tiếng về gì?
Anh Lãm vội nói:
- Bố hỏi gì vậy? Chả lẽ, một nhà văn lại nổi tiếng về đánh dẹp tôm? Hay đóng bàn tủ?
- Các anh không hiểu ý tôi. Biết, nhà văn rồi. Biết, có lẽ nổi tiếng rồi, nhưng nổi tiếng về dở hay về hay?
Tôi lật đật tắt ngay nụ cười. Bố anh Lãm không phải tay vừa.
Mẹ anh Lãm, can thiệp:
- Cái ông này – Bà đặt dĩa sắn mì bốc khói lên bàn - Ăn nói cứ tua tủa như gai bàn chải.
- Thì bà thấy đấy. Chú Trẹt và chú Thái cùng nhà nông nổi tiếng cả, nhưng một đằng về dở, một đằng về hay. Sòng phẳng mà nói, chú Trẹt lại tiếng tăm hơn đấy chứ.
Anh Lãm chồm dậy, cầm tay bố lay lay:
- Bố. Dĩ nhiên, anh Thuần Túy nổi tiếng về hay.
- Ồ. Á. Thế thì hay. Nhưng mà hay kiểu nào?
Chà! Tôi hiểu ý ông cụ. Tôi nhớ lại tháng trước, tôi đã lặn lội tận một vùng quê hẻo lánh, tìm gặp “một nổi tiếng”, đó là lão Phòng, để sưu tầm văn học dân gian. Sau khi nghe lão đọc vanh vách ca dao tục ngữ một hồi, tôi thở dài, giắt bút vào túi, tắt máy ghi âm. Ca dao tục ngữ ấy do lão sáng tác theo nhãn quan lãnh đạo quần chúng. Mặc dù lão chỉ là dân đen. Tôi đành chào thua. Tôi từ giã cái TV và đi về.
Anh Lãm cười, mắt nhìn bố không chớp:
- Dĩ nhiên. Anh Thuần Túy hay theo kiểu bố cho là hay.
- À. Thế là hay.
Vừa mời khoai, bà cụ vừa thúc cùi chỏ vào hông ông cụ:
- Ăn khoai. Thế mới hay.
Bố anh Lãm cười to, răng sếu sáo:
- Hay.
Và, liền đứng dậy, đẩy tủ kính, xách chai rượu ngâm Đinh Lăng màu đậm. Ông vỗ vỗ chai rượu:
- Cũ Đinh Lăng, có tên khác: Sâm làng Còi. Uống mát, đêm ngủ khỏi đội nón. Ngày thức không cần nhắm mắt. Một “dạ” sáu “giao” đẻ “nghịch tử”.
Chúng tôi cười ồ. Bà cụ liếc mắt “lườm” ông cụ, thần thái đe nẹt. Đoạn, đứng dậy, xách giỏ lác đi chợ mua thức ăn...
Bố anh Lãm, nói:
- Các anh sang nhà cụ Chất, mời cụ đến chơi. Bố nướng con cá nóc khô đã.
Trên đường đi, anh Lãm nói:
- Anh gặp cụ Chất, đừng ngạc nhiên. Cụ là một hiện tượng vật lý cổ sơ. Không quen, hơi ghê ghê, nhưng quả thật, cụ hiền lắm.
- Thế à?
- Vâng, trí nhớ và cả tâm hồn cụ, như một món magma trong ruột địa cầu. Ở đấy nóng chảy, hòa trộn, nhão nhớt, chẳng còn hình thù gì cả. Ở món trí nhớ magma này của cụ: Lúc nào Trương Phi cũng nổi nóng, tuốt gươm đòi chém đầu Hit-le, buộc Lê Long Đỉnh phải gượng dậy khỏi long sàng, can gián mới yên...
Chúng tôi đã vào đến sân nhà cụ Chất. Nhà cụ vắng hoe. Cửa mở thông thống. Lúc này, cụ đang tắm nơi vò nước bờ sân. Ôi! Thật quá quắt. Cụ cứ tồng ngồng không một mảnh vải trên người. Tôi phải quay mắt đi chỗ khác. Tắm xong, cũng cứ tồng ngỗng thế, thản nhiên đi vào nhà.
Anh Lãm bấm tay tôi, trấn an:
- Cụ ấy là thế – thế mới là cụ ấy. Không sao. Mỗi lần cụ nói: “Tao đi tắm đây” là con cháu đi sang hàng xóm chơi sạch. Chỉ có chó gà ở nhà thôi.
- Thế à?
- Vâng. Thế mới là cụ ấy.
Khi mặc đồ xong, cụ bảo:
- Các anh biết không? Con Tạo Hóa, cái Tâm nó hẹp lắm. Ví như tôi lúc này, đang cần răng, thế mà rụng sạch. “Thằng nhỏ” nay tôi chán tới cổ, thế mà cứ gục đầu toòng teng đấy. Việc nhỏ lớn gì, cũng trêu tức tôi cả.
Tôi mỉm cười, còn anh Lãm đứng thẳng người cung kính:
- Thưa cụ, bố sai chúng cháu mời cụ sang uống rượu chơi.
- Thế thì cùng đi...
Trên đường đi, cụ Chất lại đề nghị:
- Ghé chùa Sim, rủ sư Bản luôn.
Khi vào chùa Sim, nhìn thấy sư Bản, tôi thương quá. Áo quần vá chằng vá chịt. Sư cười, còn độc nhất một chiếc răng cửa, như cái chốt cổng tam quan.
Cụ Chất vỗ vai sư Bản, nói nhanh:
- Đến nhà bố Lãm thư giãn.
Nghe thế, sư Bản cười vu vơ... Đột nhiên, tôi thấy cụ Chất cũng cười vu vơ, cả anh Lãm cũng thế và tôi cũng cười vu vơ... Lạ thật. Nhìn sư Bản cười, bao nhiêu công danh sự nghiệp, nếu có, đều buồn theo mà rơi lả tả.
Khi bốn người chúng tôi về đến nhà anh Lãm, dĩa cá nóc khô đã nướng xong và xé nhỏ. Bố anh Lãm đang ngồi chờ.
Chúng tôi yên vị: Cụ Chất và sư Bản ngồi một phía, tôi và Lãm một phía, bố của lãm ngồi đầu bàn.
Thấy tôi nhìn mãi vào chiếc răng của sư Bản, cụ Chất giải thích:
- Đấy là cái chốt, không phải răng. Trên một chốt, dưới một chốt, thế là cân đối.
Bố Lãm góp ý:
- Chùa Sim nghèo, việc tu sửa cửa tam quan là bất khả tư nghị. Chi bằng quăng cái chốt ấy cho rồi. Khỏi vướng.
Sư Bản lại cười. Tôi thấy cái chốt lung lay. Nó lung lay vì hơi gió trong cổng tam quan xì ra.
Bố anh Lãm mời rượu và tất cả đều uống. Lạ thật, sư Bản cũng uống, không e ngại. Có lẽ, đọc được ý nghĩ tôi, sư Bản nói:
- Rượu cũng là “chay” rất tinh khiết.
Bố anh Lãm lại rót rượu, rót xong, ông ngâm thơ:
- Thoảng bên tai không có tiếng chày Kinh. Khách tang hải ngủ vùi trong giấc mộng....
Tôi cau mày, vì không hiểu câu thơ, vội hỏi:
- Là sao ạ?
Sư Bản trả lời:
- Là cái chuông lớn...Cái đại hồng chung của chùa Sim bị bọn đạo tặc “bợ” hôm kia.
Nghe thế, tôi giật mình. Cái đại hồng chung tệ lắm cũng phải hai chục triệu.
Cụ Chất ngồi trầm ngâm. Cụ bấm đốt tay, bấm ngược, bấm xuôi. Tôi nhìn thấy rối beng. Vừa bấm, cụ vừa lẩm bẩm:
- Tháng giêng lại Cấn, trên tháng khởi ngày là mùng một lại Cấn, thuận mỗi cung là mùng hai lại Chấn, mùng ba... Tốn, mùng bốn Ly, mùng năm tại Khôn, mùng sáu Đoài, mùng bảy Càn, mùng tám Khảm. Trên ngày khởi giờ, là Tý chỗ mùng tám Khảm, Sửu tại... Dần, tại Chấn, Mẹo Tốn, Thìn Ly, Ngọ Khôn, Mùi Càn, Thân Khảm, Cửu Hưu... Ồ! Chánh bắc phương, cận giang hà chi sở.
Tôi trố mắt:
- Là sao? Thưa cụ.
Bố anh Lãm nói:
- Là cái chuông bọn đạo tặc còn giấu ở phương Bắc, gần sông. Cụ ấy độn quẻ Khổng Minh đấy.
Độn quẻ xong, cụ Chất nói:
- Mất chuông là tốt. Sư bớt được việc công phu.
Sư Bản không nói gì. Chúng tôi lại nhắm nháp cá nóc khô và uống rượu.
Bỗng tôi nghe tiếng chuông vang lên, hướng phía chùa Sim.
Sư Bản vội đứng dậy:
- Xin phép. Mô Phật. Tôi về đằng chùa, bọn chăn bò phá chuông.
Tôi há hốc mồm:
- Vậy ra, chuông không mất à?
Cụ Chất vuốt râu, cười:
- Cứ mong mất, nó không mất, mới khổ chứ.
Ôi! Tôi thở phào. Các cụ cứ đùa như thật. Và, không hiểu sao, trong lòng tôi bỗng vui vui... Một niềm vui chậm rãi, khoan thai. Một niềm vui không ồn ào, ầm ĩ... Vui mà như thể là buồn. Một niềm vui kỳ lạ, tôi mới gặp lần đầu.
Uống xong cốc rượu, cụ Chất nói:
- Các vị có biết: Xã hội nhân loại có bao nhiêu loại không?
Tôi mù mịt, cứ ngước mắt nhìn cụ chờ.
Cụ thò tay “nhón” một miếng cá nóc khô, nhai chóc chách, rồi nói:
- Ngày xưa có bốn loại người hẳn hoi: “Loại nói láo suốt. Loại nói thật suốt. Loại láo như thật, thật như láo. Và, loại cần thật thì thật, cần láo thì láo.”
Bố anh Lãm nghe thế liền gật đầu. Tôi và anh Lãm cũng gật gật đầu.
Cụ Chất tiếp:
- Loại thật suốt thì thương lắm, xót lắm. Loại láo suốt thì ghét lắm, căm lắm. Loại thật như láo, láo như thật thì ghét thương, thương ghét, chả biết đâu mò. Và, loại cần thật thì thật, cần láo thì láo, thì tởm lắm, hãi lắm.
Tôi gật đầu lia lịa, lời cụ quả là xăng máy bay, không là dầu thô nữa.
Cụ lại tiếp, mặt đột ngột trầm ngâm:
- Nhưng do tiến hóa theo thuyết Đac-Uyn, nay có thêm loại thứ năm.
Bố Lãm hỏi dồn:
- Loại gì?
Cụ Chất nói, mặt vẫn trầm ngâm:
- Là loại không bao giờ láo, vì họ không bao giờ thật.
Nghe vậy, tôi kinh ngạc. Cụ Chất đâu phải là một hiện tượng vật lý cổ sơ, như anh Lãm bảo. Hồn trí cụ không phải là một món magma trong ruột địa cầu. Cụ khôi hài và rất sắc bén.
Cụ lại tiếp:
- Loại không bao giờ láo, vì không bao giờ thật này, ta không thể nào thương, ghét, tởm, hãi họ được.
Bố Lãm lại hỏi dồn:
- Nhưng đó là loại người gì?
Đột ngột, anh Lãm trả lời:
- Đó là người máy. Một Rôbốt. Triệu Rôbốt.
Nghe vậy, cụ Chất thích quá, chồm tới vỗ vào vai anh Lãm:
- Số một. Loại người máy. Đúng thế. Chỉ cần tra “pin” vào là hoạt động.
Bố Lãm chép miệng. Tôi cũng chép miệng.
Từ ngoài sân, sư Bản đã trở lại, tay xách một bao nhựa bóng trà xanh.
Cụ Chất đột ngột chích ngón tay vào sư Bản:
- Loại này là loại gì?
Sư Bản bảo:
- Trà xanh.
Bố của Lãm chích ngón tay vào cụ Chất:
- Loại này là loại gì?
Cụ Chất bảo:
- Ớt sừng.
Cụ Chất chích ngón tay vào bố Lãm:
- Thế còn loại này?
- Là chanh.
Bố Lãm “gờm gờm” Lãm, rồi cười phá lên:
- Còn anh là ớt, nhưng mà ớt ni-lông.
Chúng tôi cười thoải mái! Tuổi tác, vai vế bỗng chan hòa. Anh Lãm còn kinh ngạc nhìn cụ Chất.
Cụ Chất bảo:
- Cứ uống. Hết, tôi bảo trẻ xách tới viện trợ.
Bố Lãm tuyên bố:
- Cứ việc. Một chốc nữa, mẹ Lãm về sẽ phong phú thôi. Người máy không có ở đây....

N.P.L

Không có nhận xét nào: