19 thg 12, 2008

Truyen Ngan



Triết gia đồng quê



Chủ nhật này, Thám có việc phải về xã Nam Lung, tiện đường anh ghé thăm cụ Hương Bổn, mục đích tầng sâu là lượm một ít điều hay hay, lý thú mà cụ thường vung vãi khi trò chuyện. Lần này, Thám mang biếu cụ một ký chè ngon. Cụ mừng lắm… Đợi cụ mừng xong, anh hỏi:
“Cháu hỏi thật, cụ đừng mắng nhé, nay U 90 rồi, cụ nghe trong người có gì lạ không?”
Hớp ngụm nước chè xong, cụ Hương Bổn chép chép miêng, vẻ đắn đo lựa lời, rồi nói với Thám:
“Nếu chú hỏi thật, tôi đây cũng xin trả lời thật. Qua nấc 80 một khúc khá xa, tôi có 10 cái lạ, và 1 cái lạ nữa... Cái lạ thứ nhất, là tất cả đều cũ mèm, rách rưới. Cái lạ thứ hai, là những thứ cũ mèm, rách rưới ấy lại cứ mới dần, lành lặn hẳn ra…và trượt khỏi tay mình, đấy mới cay chớ. Cái lạ thứ ba, là cuộc đời được tráng một lớp màu chì, màu này độc địa lắm. Cái lạ thứ tư, là dư buồn mà thiếu vui, nếu có chen vui chút đỉnh, thằng buồn cũng hất cẳng ra. Cái lạ thứ năm, là xương cốt thở than mãi. Cái lạ thứ sáu, chỉ thích thương mỗi thứ trẻ nhỏ chưa đi học. Cái lạ thứ bảy, là vái dài thứ người lớn. Cái lạ thứ tám, là ưa kết bạn với các vị đã chết cùng những thằng chưa đẻ. Cái lạ thứ chín, là ghét cay ghét đắng bụng dạ con người. Cái lạ thứ mười, là biết rõ mười cái lạ ấy chẳng có gì lạ cả. Và, thêm một cái lạ nữa, hoành tráng hơn, là cơ thể mình càng ngày càng lạ mình, mà mình nhìn nó cũng chả thấy quen”.
Nghe vậy, Thám mỉm cười thú vị. Cụ quả xứng đáng với cái nhãn “triết gia đồng quê”. Anh cũng hớp ngụm chè và nói:
“Cụ nói vậy, cháu chỉ thấy có đúng, chớ đâu có gì lạ?”
Cụ Hương Bổn trả lời:
“Trên đời này làm gì có đúng, do thế cũng làm gì có sai. Chỉ có lạ và quen. Chỉ có láo và thật. Mà 10 cái lạ và 1 cái lạ này, là của riêng tôi đó chớ. Đâu phải ai ai cũng vậy. Rằm tháng rồi, tôi có hầu chuyện với đại lão hoà thượng trụ trì chùa Đồng, ngài cũng nói không có gì đúng, không có gì sai. Chỉ có lạ và quen thôi. Chỉ có láo và thật thôi”.
Thám háo hức hỏi:
“Vậy ngài hoà thượng có những cái lạ như cụ không?”
“Có chớ. Nhưng ít lắm. Ngài chỉ có một cái lạ, là…lạ cơm chay. Còn bao nhiêu cái khác, ngài không lạ”.
Thám lại cười thú vị. Đột ngột, một tình cảm quí mến cụ Hương Bổn và cả ngài hoà thượng chùa Đồng dâng lên. Anh khoan khoái rót thêm nước chè vào chén:
“Ban nãy cụ nói 10 cái lạ và 1 cái lạ. Thế còn cái quen, cụ được bao nhiêu?”
Cụ Hương Bổn cười hom hem, răng lưa thưa vài cái, trông ngồ ngộ:
“Qua nấc 80, tôi cũng có 10 cái quen và thêm 1 cái quen nữa. Cái quen thứ nhất, là thoạt tiên thấy cái gì cũng quen. Cái quen thứ hai, là liền đấy thấy chúng lại lạ ngay. Cái quen thứ tư, là quen không mạnh khoẻ. Cái quen thứ năm, là quen lủi thủi. Cái quen thứ sáu, là quen thấy lờ mờ. Cái quen thứ bảy, là quen nghe gần. Cái quen thứ tám, là quen nước chè. Cái quen thứ chín, là quen chuyện tầm phào. Cái quen thứ mười, là quen nằm. Và, một cái quen thượng hạng nữa, là quen tổ tiên ông bà ngồi trên bàn thờ”.
Thám lại cười thú vị. Thám biết cụ Hương Bổn quen thân với ngài hoà thượng chùa Đồng, anh liền hỏi:
“Thế còn ngài hoà thượng trụ trì chùa Đồng có cái quen nào không?”
Cụ Hương Bổn trả lời:
“Có chớ. Ít lắm. Ngài chỉ có một cái quen, là quen Phật. Ngài đơn giản hơn tôi nhiều, thế nên ngài mới thành hoà thượng. Lại cũng bữa Rằm ấy, có một anh qua nấc 90, tức U 100, anh ta được thằng con dìu vào đấy, anh ta lại khác”.
Thám tò mò:
“Khác thế nào ạ?”
Cụ Hương Bổn nói tiếp:
“Anh ta lại càng ít hơn cả ngài hoà thượng. Về lạ, anh ta chỉ còn nửa cái. Nửa cái lạ đó là… lạ sống. Lúc nào cũng rên rỉ: Mình đang sống thật sao?”.
Thám lại mỉm thích thú, hỏi tiếp:
“Thế còn cái quen?”
Cụ Hương Bổn lại uống nước chè, lại cũng chép chép miệng:
“Về quen, anh ta cũng chỉ còn nửa cái, là quen cái lưng thần Chết, còn cái mặt chưa biết”.
Thám cười đồng tình:
“Đúng là chỉ có nửa ông thần Chết”.
Cụ Hương Bổn nay 85, người gầy gò, tuy mặt hằn những vết nhăn sâu như dao cứa, nhưng dường như cụ không bao giờ nóng giận, trái lại rất hoà nhã. Những chuyện nặng trịch khi rơi vào tay cụ, liền trở thành nhẹ nhỏm. Trò chuyện với cụ Hương Bổn, Thám tiếp thu được nhiều điều dí dỏm, hay hay. Ví như, có lần cụ nói với anh nhân lúc cùng xem con bò nghé mới mua: “Tôi, chú và con bò nghé này, - Cụ giơ tay phát đét vào lưng con nghé, nói tiếp - Xét về mắt, tôi 4, chú 2, nó cũng 2. Xét về răng, chú nhiều, con nghé ít, tôi cũng ít. Xét về tóc, con nghé nâu, chú đen, tôi trắng. Xét về chân cẳng, chú 2, tôi 3, con nghé 4. Xét về đuôi, nó 1, tôi 0, chú 0. Xét về phân cứt, tôi thúi, chú thúi, con nghé không thúi. Xét về “thằng nhỏ”, thì cả ba chúng ta, cũng chỉ lủng lẳng có 1 thằng. Xét về đi đứng, tôi cong, chú thẳng, nó khòm sát đất…” Ừ, cứ như thế cụ nói, nghe thật buồn cười, nhưng xuyên qua cái buồn cười ấy, Thám nhận ra ở cụ tràn ngập đức tính bình đẳng và cả cái hoà khí khi tiếp thu vạn vật, không coi con người là trung tâm thống trị. Đặc biệt, cụ nghiện uống chè đậm. Thăm cụ, cứ cho chè ngon là cụ ưa nhất. Thế nên lần này, anh mới đem biếu cụ cả ký chè Bắc Thái.
Thám lại rót nước chè vào chén cụ:
“Cho cháu hỏi nữa, thế còn cái láo, cái thật, cụ có được bao nhiêu?”
Cụ Hương Bổn bật cười. Cụ lại uống chè, lại chép chép miệng:
“Cái láo, cái thật không thể tính rành mạch được. Chúng lộn qua lẫn lại rối rắm. Nhưng có điều, chúng lại là một nghệ thuật”.
Thám chăm chú:
“Nghệ thuật à? Xin cụ nói rõ hơn xem nào?”
“Thì nghệ thuật nói láo. Nghệ thuật nói thật. Hai nghệ thuật ấy cứ quyện vào nhau. Nghệ thuật nói láo có cốt lõi như thế này… Phàm ai muốn nói láo, thì người đó phải vin vào sự thật. Vin vào sự thật để nhảy ra khỏi sự thật. Ví như con trâu là sự thật, cho dù sự thật ấy đói rã ruột như chuột nhà thờ, con trâu ấy vẫn là sự thật. Chú liền móc đất sét đắp vào hai bên hông lõm của nó, rồi chú bảo với mọi người, đây là con trâu no. Đứng xa người ta tin liền. Đấy, trong da mo, ngoài đất sét là thế. Nếu không có con trâu đói, làm sao chú dám nói láo nó no? Còn như chú nằng nặc đòi sự thật, thì cứ đi hỏi con trâu, nó sẽ trả lời bằng tiếng người cho chú nghe… Sang nghệ thuật nói thật cũng vậy. Phàm muốn nói thật cũng cần phải bám vào láo”.
Thám lại ngạc nhiên:
“Tại sao thật lại cần bám vào láo? Đã thật rồi, thì cần gì?”
Cụ Hương Bổn lại uống nước chè. Nghe hỏi thế, cụ cười:
“Phải bám vào láo mới nhảy ra được khỏi láo. Thí dụ như vầy: Đột nhiên khuôn mặt tôi thành khẩn, và tôi nói: Thưa các vị, hồi nãy giờ tôi nói láo cả đấy, các vị ạ... Thế là tôi bám vào láo để nhảy ra khỏi láo, tôi đã thật rồi còn gì. Rồi, cứ vin cái thật tôi vừa giành được đấy, để tôi lại nói láo tiếp tục…Yên chí lớn. Cứ thế mà làm”.
Thám thắc mắc:
“Như thế, nghệ thuật nói thật cũng chính là nghệ thuật nói láo, nhưng ở mức cao hơn?”
Cụ Thám gắt:
“Thế mà cũng hỏi… Đã gọi là nghệ thuật thì làm sao mà thật cho được. Nếu mà thật “gin” thì cần quái gì nghệ thuật? Sở dĩ có nghệ thuật nói thật là để phục vụ đắc lực cho nghệ thuật nói láo được hiệu quả hơn, vậy thôi”.
Cả hai cùng cưòi khúc khích. Thám lại rót nước chè cho cụ. Cụ Hương Bổn lại nói tiếp: “Nói thì nói thế, nhưng đại cương cũng tạm chia được thành 4 loại người ở dưới cái gầm trời vĩ đại này. Đó là: loại nói láo suốt, loại nói thật suốt, loại lúc láo lúc thật, và loại cần thật thì thật, cần láo thì láo”.
Nghe vậy, Thám gật gù, nhất trí. Cụ Hương Bổn nói tiếp:
“Loại nói thật suốt, thì thương lắm, xót lắm. Loại nói láo suốt, thì căm lắm, ghét lắm. Loại lúc thật lúc láo, thì thương thương, ghét ghét chẳng biết đâu là lần. Loại cần thật thì thật, cần láo thì láo, thì tởm lắm, hãi lắm”.
Nghe cụ nói tiếp như thế, Thám cũng lại gật gù, đồng tình. Lời cụ nói quả là xăng máy bay, cứ trong veo, cao cấp, không lởn vởn một tạp chất nào. Cụ Hương Bổn lại uống nước chè… Cụ trầm ngâm một chặp, nói tiếp:
“Nhưng nay có loại người mới. Loại thứ năm. Đó là loại người không bao giờ láo vì họ không bao giờ thật”.
Nghe vậy, Thám thoáng giật mình. Đại cương phân chia 4 loại người của cụ đã bao quát toàn bộ nhân loại, vậy mà còn loại thứ năm nữa ư? Loại người gì mà không bao giờ láo vì không bao giờ thật? Anh liền hỏi:
“Cháu không hình dung nổi loại người thứ năm này. Nghe cứ ghê ghê. Loại người gì vậy?”
“Đó là loại người máy. Một rôbôt…triệu rôbôt…Loại làm theo lệnh chủ lập trình sẵn”.
Thám nghe cụ trả lời như thế, liền nín lặng. Quả đúng thế. Có những sự thật hiển nhiên buộc mình phải nín lặng. Nhưng chỉ nín lặng một lát thôi, anh lại vùng lên, khôi hài một câu hỏi đen:
“Hỏi thật cụ nhé. Cụ có sợ chết không?”
Cụ gắt:
“Hỏi tào lao. Sao lại không sợ. Khi tôi sống là không có chết ở đấy, nên tôi phải sợ chết chớ. Nếu dưới âm phủ hoặc trên thiên đàng, Diêm vương hoặc Thượng đế có hỏi tôi rằng: thằng Bổn, mày có sợ sống không? Tôi cũng trả lời: Hỏi tào lao. Bởi lẽ tôi chết rồi thì không có cái sống ở đấy, nên tôi phải sợ sống chớ. Sao lại không sợ? Hễ nó chưa vào tới mình, là mình sợ. Cái nào cũng sợ. Sao lại không sợ? Còn nó đã nhập vào thì còn sợ chó gì”.
Nghe lập luận của cụ, Thám thấy có lý. Trong cái lập luận giỡn chơi đó, đã tràn ngập một tinh thần “không sợ”. Mà ở đời người ta sợ ai? Người ta sợ người “không sợ”. Cụ Hương Bổn không phải tay vừa. Ừ, lại quên lửng, cụ là triết gia đồng quê mà.
Nếu là triết gia, anh phải hỏi tiếp một câu hóc búa nữa. Anh hỏi:
“Vậy, thần Chết có sợ cụ không?”
Cụ lại gắt:
“Lại hỏi tào lao. Thần chết sao lại không sợ tôi. Đấy, ngay bây giờ tôi vừa thách đấy, ông ta làm gì tôi đâu?”.
Thám nín thinh. Anh lại rót nước chè. Anh nhớ có lần cụ Hương Bổn bệnh nặng lắm, thần thức lịm đi mấy ngày. Thám nghe nói có nhiều người như thế. Khi họ hồi tỉnh lại, họ kể lung tung những chuyện họ trông thấy, không rõ láo hay thật. Anh hỏi cụ Hương Bổn:
“Năm ngoái cụ bệnh nặng, bị chết giả mấy ngày, cụ có thấy thế giới khác không?”
Cụ lại bật cười, lại uống chè:
“Tôi có nói ra, chú đâu có tin”.
“Cụ cứ nói. Cụ nói… là cháu tin”.
Cụ Hương Bổn nói:
“Có thế giới khác nhưng tôi chưa trông thấy”.
“Úi trời, thế thì cũng như cháu”.
Cụ Hương Bổn bật cười:
“Vớ vẩn. Sao lại như cháu? Có thế giới khác… là chính thế giới này nè, luôn luôn đổi khác, luôn luôn vươn ra, nhưng tôi chết giả mấy ngày tôi đâu thấy được nó”.
Thám cũng bật cười:
“Hoá ra là thế”.
“Hoá ra là thế, là thế nào? - Cụ lại gắt và nói tiếp - Nếu có một thế giới khác mình biết được, thì lập tức thế giới khác ấy thuộc về thế giới này ngay, để thế giới này được rộng ra, sâu ra, cao ra, bát ngát thêm ra. Thế nên, tôi nói có mà tôi chưa thấy”.
Thám hỏi:
“Vậy, âm phủ, địa ngục, niết bàn, thiên đàng nếu có…cũng thuộc vào thế giới này à?”
“Chớ sao. Dĩ nhiên. Cấp sổ đỏ liền. Khi mình thêm, thêm, thêm… một cái gì khác, nó là của mình chớ của ai? Hai ba câu tiếng Tây tôi bập bẹ thành tiếng Việt, là của tôi chớ của ai? Chả lẽ của thằng Tây? Thế giới của thế giới này luôn vươn ra vô cùng tận, trải dài lên thiên đàng, xuống âm phủ”.
Nghe vậy, Thám lại nín thinh. Cụ Hương Bổn quả là một triết gia đồng quê.
Lúc này, cụ bà bưng lên một đĩa sắn mì vừa nấu, nóng bốc khói:
“Ông mời cháu nó ăn. Ông cũng ăn đi. Cứ ngồi đó mà nói dóc”.
Thám cười:
“Chào cụ. Cụ có khoẻ không?”
Cụ bà đặt đĩa sắn vào giữa bàn:
“Không khoẻ, sao tôi còn nấu được sắn bưng lên?”.
Cụ bà quả cũng như cụ ông. Có thể là nữ triết gia đồng quê nữa đây. Ồ không, cụ bà không ham nói, cụ bà đã đi đâu mất, không còn ở đây. Cụ bà không phải triết gia, cụ bà là hiền gia.
Ngô Phan Lưu

Không có nhận xét nào: