19 thg 12, 2008

Truyen Ngan



Giữ mãi
tình trạng ấy


Sáng nay, rỗi việc, Ông Nô bèn làm “cái-việc-không-có-việc-gì-làm”. Ông ngồi đàng hoàng vào bàn, cầm bút…
(Ông Nô gặm quản bút, nhíu mày : “Phải viết một truyện ngắn, tốt nhất cứ lấy nhân vật chính, đi dạo nghĩa địa cho an toàn.” Ông viết)
Tháng ngày gần đây, lão Tua thường đi dạo nghĩa địa thư giãn, Đó là nghĩa địa Cây Trâm gần nhà lão. Sở thích này, cả xóm Bún chỉ một mình lão mắc phải. Lão luôn bảo : “Nơi đây, đường sá thông thoáng, cây xanh thẳng tắp, vắng loài người ba hoa. Không nhà thương, không trường học, không đồn công an. Nơi đây giàu nghèo thấy đấy, nhưng thảy đều im lặng. Nơi đây, triền miên một nỗi buồn to, thiêu rụi những nỗi buồn nhỏ. Quả là nơi lý tưởng, thư giãn.”
Nghe thế, người xóm Bún cười cười, thông cảm và tha thứ. Nhưng không biết “thông cảm” và “tha thứ” việc gì, vì việc gì này, nằm ngoài lo toan của họ.
-Ông lại ra “phố” à?
Một câu hỏi mỉa mai, trượt trong tiếng cười của chú thanh niên vừa gặp lão ngược chiều, lúc lão đang đi vào nghĩa địa Cây Trâm.
Lão cười héo:
Ừ, chú đi không?
-Không
(Viết đến đây, ông Nô lại gặm quản bút, suy luận : “Nhà lão Tua gần nghĩa địa, hơn nữa lão không phải dân nhập cư, hẳn Bố mẹ lão phải nằm ở đấy. Phải cho lão thăm Bố mẹ, rồi sau mới dạo chơi lung tung. Ông viết tiếp)
Khi đã vào nghĩa địa, lão Tua vượt qua ba dãy nhà mộ, trực chỉ đến mộ Mẹ. Tại mộ Mẹ, lão bẻ ba nhành “hoa cơm nguội” làm chổi quét nền, đoạn chăm chú nhìn di ảnh Mẹ khắc trên bia. Lão nhớ lại lời cụ Phán cùng xóm nói với lão : “Mẹ anh à? Cái bà quá quắt! Hồi anh còn bé, bé như thế này này-Cụ vỗ vỗ vào đầu gối xương xẩu của mình-mỗi khi anh ngủ, mà anh ngủ ly bì, mẹ anh trực suốt bên cạnh đuổi ruồi muỗi. Mắt bà ấy sáng chong ra ngõ, thấy bất cứ ai vào, tức tốc chạy vù ra, đuổi đi hết. Đuổi tất. Bà sợ chó sủa, làm anh thức giấc. ” Đột ngột, lão thở dài:
-Còn giờ, Mẹ đã dưới đất này.
Lão nhắm nghiền mắt, cố tìm Mẹ. Lão nghĩ, nơi thế giới người đã khuất, muốn thấy được họ, ta phải nhắm mắt. Nhưng dù nhắm mắt, lão vẫn không thấy được họ. Lão bỏ đi đến mộ Cha.
Lần này, lão phải vượt bảy dãy nhà mộ nữa. Khi đến mộ Cha, lão bẻ ba nhành “hoa mẫu đơn” làm chổi quét nền, rồi cũng chăm chú nhìn di ảnh Bố khắc trên bia. Lão đứng như tượng. Lão mơ ước một phép lạ để gặp Bố. Lão đành chép miệng :
-Đời này quá lạ, vì chẳng có phép lạ.
Lão rảo bước quanh mộ cha, nhìn mấy khóm hoa Tứ quý màu trắng. Hoa này, quê lão còn gọi “hoa nghĩa trang”. Hoa nghĩa trang thuộc loại hoa bất tử. Chúng cần cù sống, lầm lũi ra hoa quanh năm suốt tháng, chẳng cần ai chăm sóc. Không hiểu sao, nhìn hoa nghĩa trang, mắt lão cay xè. Lão nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ làng xóm và cả nhớ mình.
(Ông Nô lại gặm quản bút, gật đầu, mắt sáng lên : “Với tâm trạng này, phải cho lão Tua làm thơ: Chỉ có thơ mới tải nổi tâm trạng này!” ông viết tiếp)
Đột nhiên, những câu thơ nguyên liệu chờn vờn trước mắt lão, rồi đậu vào bụi hoa nghĩa trang. Chúng đậu thành bài, thể như một đàn bướm:
“Sáng tinh sương
Hoa đẫm hương
Cha súc bình
Mặt trời đỏ hồng”
Lão dụi mắt, nhìn sang bụi hoa nghĩa trang khác, lão cũng thấy thơ nguyên liệu đậu thành bài :
“Hoàng hôn chưa buông
Mái bếp khói vương
Ngọn khói thương thương
Vướng lũy tre
Rách nát…”
(Ông Nô ngừng bút, vui hơn hớn : “Lão Tua khá lắm. Cừ thật. Thơ đầy ắp kỷ niệm.” Ông hăng hái viết tiếp)
Lão Tua rơm nước mắt. Lão quệt ống tay áo, rảo nhanh chỗ khác, lẩn trốn ký ức…Nhưng, vì lão già ký ức không nỡ đuổi theo. Lão lại đi từ từ.
Đi một chặp, thấy sừng sững một ngôi mộ tráng lệ : Gian trong, hiên ngoài, sân trước, hè sau, giàn hoa, chậu kiểng, kỳ lân, sư tử, rồng phượng chầu quanh rối mắt. Lão ghé vào, suýt trượt chân vì gạch men trơn láng. Lão nhìn vào bia, lão cau mày :
-Nhà cửa lộng lẫy thế này, mà mặt mày như ma đói. Tay này, hẳn gốc ăn mày, để đức lại cho con cháu đây.
Lão Tua bước nhanh khỏi ngôi mộ như trốn chạy. Lão lại đi tiếp, đi được để đi, để mà đi được…
-Cho nghỉ một lát, mỏi cẳng quá.
(Ông Nô khựng bút. Ông nhíu mày : “Lão Tua vừa yêu cầu ta à? Nhân vật yêu sách tác giả à?- Ông Nô lớn giọng, đầy bực mình-Đang đi ngon trớn, đòi nghỉ à? Được”. Ông viết tiếp)
Tai vừa nghe chính tiếng nói của mình vang lên, lão Tua giật thót. Lâu nay, lão không nói như thế. Không. Lão cau mày lẩm bẩm:
-Ma vừa chạy vào họng mình đấy.
Lão ngồi phệch xuống, tựa lưng vào tường ốp gạch men xanh nhạt, lơ đãng nhìn mây trắng, lão há mồm thở dốc, đôi chân già, khó kham nổi cuộc đi.
Chặp sau, lão khoẻ lại, mắt vẫn dán lên mây trời, lão lẩm bẩm:
-Ước chi thân ta như mây kia.
Nhà ngươi thật tự do. Thật nhẹ nhàng. Không vướng bận
Lão Tua thôi ngắm “tự do”, lão nhìn xuống đất. Lão thấy có tờ sách ai ném bỏ gần đấy. Lão nhặt, tra mục kỉnh vào lẩm bẩm đọc : “Cảo yên lặng ngắm Thúy ăn sáng. Không một dấu vết gì của đêm trác táng thoáng trên khuôn mặt phúc hậu. Khuôn mặt cứ thơ ngây. Đôi tay cứ nuột nà. Việc bùn lầy đêm qua, Thúy đã tiêu hoá xong. Đột nhiên, Cảo cảm giác mình bị đông cứng như nước đá.…”
Lão vò tờ sách, quăng ra xa. Lão lại lơ đãng nhìn mây trời, hết đám mây này, đến đám mây khác…
(Ông Nô ngừng bút, tự nhủ : “Ấy, phải cảnh giác, coi chừng lão Tua ngủ khì. Ơ ! Cái lão này ngủ thật rồi. Đồ bất trị. Đã thế, ta cho chiêm bao gặp quỷ.” Ông Nô lia bút, viết tiếp)
Thông thường, hễ gió mát + mây trôi + mỏi chân + đói bụng + lưng tựa : thế là ngủ! Làm sao thoát khỏi công thức này. Lão Tua đã ríu mắt, thở đều…
“Thằng chó ghẻ kia, lại đây.” Một dạng tiếng nói kỳ lạ, gắt gỏng the thé.
Lão Tua quay lại nhìn, trước mắt lão là một con Quỷ. Đầu dài như trái bí, mọc kín lông tơ. Mặt nó hình lưỡi cày lộn ngược, mắt lờ đờ như mắt cá, nhoẻn miệng nở một nụ cười trẻ thơ ló chiếc răng độc nhất dài như dùi. Ôi. Người ngợm. Chả thấy có chiếc ghế đẩu nào, thế mà nó ngồi được, hai chân thõng xuống đu đưa…
(Ông Nô lại gặm quản bút : “Ta phải điều tra thêm hai con Quỷ nữa, cho lão ta biết tay.”. Ông viết)
Đột ngột, hai con Quỷ nữa tiến vào, mùi hôi hám chật ních không gian. Con này tóc dài phủ đít, nanh thòng tới ngực, áo vá chằng vá chịt! Con kia, đầu trọc lóc, móp méo, mắt xách ngược, miệng lại bé bỏng như đồng xu.
Quỷ đầu trái bí, nói chát chúa, giọng như kim loại va chạm, chiếc răng cửa thò ra, thụt vào như pít-tông:
- Tao thỉnh hai bạn hiền tới đây để thịt mày. Đánh chén giải sầu.
Nghe vậy, lão Tua hốt hoảng, quyết định dùng ba tấc lưỡi cứu vãn tình thế hiểm nghèo. Lão liền giập đầu lạy như tế sao, lớn tiếng lưu loát :
-Sở dĩ, con diễm phúc gặp các Ngài, cũng vì đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, nước xuôi chỗ trũng, lửa bén chữa khô, mây cuốn theo rồng, gió chạy theo cọp, đồng hội đồng thuyền, mỡ nào ăn thịt.
(Ông Nô ngừng bút, tròn mắt : “Hoan nghênh lão Tua. Rất cừ. Ta thật không ngờ, nhà ngươi lại là bạn của lũ Quỷ. Thế nhưng, dạng ngọn cỏ gió đùa ấy, ta vẫn cứ cho lũ Quỷ xơi tái. Ông khoan khoái viết tiếp)
Nghe lão Tua thao thao bất tuyệt, quỷ đầu trọc đập bàn, thét như còi ôtô
-Dọn dẹp cái món văn chương khỉ gió kia ngay. Bay đâu? Nấu nước.
Quỷ tóc dài, nanh heo, chống nạnh xoạt chân, cũng gầm lên :
-Bọn tao lúc sống cũng do điêu luyện văn chương mà thành Quỷ. Bay đâu? Mài dao.
Dứt lời, Quỷ đầu trọc rút dao bản, mài chan chát, toé lửa ngọn. Quỷ tóc dài nanh heo, thổi lửa nấu nước, khói mù trời như đám cháy.
Mồ hôi lão Tua vã ra như xối. Mắt thất thần cầu cứu bốn phương tám hướng. Mặt lão trắng bệch, không còn hột máu. Có lẽ, trong quần lão đã ươn ướt và cồm cộm.
(Ông Nô ngừng bút. Ông ngắm nhìn lão Tua, và cười ngất : “Thế đấy, nhân vật dám cãi tác giả là hậu quả thế đấy.” Ông quyết định dồn tình thế nguy cấp hơn. Ông viết tiếp)
Lập tức, quỷ đầu trọc xông tới, chích mạnh mũi dao mới mài vào bụng lão Tua. Lão Tua thét lên và bừng tỉnh. Bọn Quỷ biến mất.
(Ông Nô khựng bút: “Quái quỷ gì thế này? Lão ấy không chết à? Hỏng rồi. Lại hỏng rồi. Trong giấc mơ ta không nên đối xử như thế.” Quá mỏi mệt, ông đứng dậy, vươn vai. Đột nhiên, mắt ông sáng lên. Ông thoáng thấy biện pháp trừng trị lão Tua. Biện pháp ấy, đơn giản và sáng trưng. Ông cười duyên, cầm bút viết tiếp)
Lão Tua dụi mắt, lão nhận ra mình vẫn đang ở nghĩa địa Cây Trâm. Một nghĩa địa thênh thang.
(Ông Nô xoa tay : “Cứ giữ lão mãi tình trạng ấy, trong nghĩa địa ấy!”. Ông Nô lia bút đánh dấu chấm hết và đi tắm để thoát khỏi truyện ngắn của mình)
Ngô Phan Lưu

Không có nhận xét nào: