13 thg 7, 2009

TRUYEN NGAN


TAO PHÙNG



Bà Bảy Sít, người xóm Đông, thôn Trạch Thắng, xã Bài Trị, năm nay leo lên 60.
“Sáu mươi”, cái tuổi xã Bài Trị rất thích, vượt sang biên giới này, nhỡ có chết đi, được gọi là “hưởng thọ”, tránh được hai chữ “hưởng dương”.
Để biết ơn (bà không rõ biết ơn ai) bà rước thợ điện tử thiết trí lại bàn thờ tổ tiên cùng bàn thờ Phật nguy nga: sắm bộ lư đồng kỳ lân trái đào, nào nhang điện, nến điện, hào quang điện nhấp nháy rối mắt, lại có hoa nhựa, chuối nhựa, mãng cầu nhựa vây quanh...
Khi đã thiết trí xong, bà mới vỡ ra rằng, phải biết ơn khoa học kỹ thuật. Nên ai đến, bà cũng bảo: “Sống là theo khoa học”. Ngừng một chút (lúc nào cũng ngừng một chút, cho khoa học thấm vào người đối diện) bà tiếp: “Chuối nhựa tinh khiết, chống chuột, trừ dịch hạch. Nhang điện không khói, trừ ngạt thở, chống ung thư. Hoa nhựa không hương chống ngất, trợ tim”.
Khoa học phải đi đôi với đạo đức, nên bà phải tụng kinh. Bà sắm kinh điền chữ quốc ngữ, chuông, mõ, thỉnh cả tượng an vị tại nhà.
Mỗi khi bà tụng kinh, nói “tụng” cho sang, thực ra bà canh giữ chuột, dán, thằn lằn... không cho phá chè xôi. Thế nên bà không ngồi tụng mà cầm dùi mõ; như một vũ khí, đi rảo xung quanh bàn thờ.
Một tối rằm lớn, có con thằn lằn lì lợm không chạy, bà “lia” dùi mõ, chết không kịp ngáp! Bà vội liếc mắt lên chỗ hào quang điện, bà thoáng thấy Phật bình thản, bà an tâm và dùng dùi mõ gạt hất xác con thằn lằn xuống đất.
Sở dĩ bà Bảy có tên Sít, vì bà có hàm răng sít chặt, không thể cho cây tăm vào được.
Bà nhỏ thó, đít nở, da đen hin; mới năm ngoái đây, nghĩa là lúc 59 tuổi, còn nằm ở khu vực “hưởng dương”, bà vẫn còn ở đỉnh cao về khoa hỗn xược...
*
Cũng ở xã Bài Trị, nhưng lại ở xóm Tây, có ông Sáu Xiểng hiền như đất, ít nói, ít học, mờ mịt về khoa học. Ông cũng vừa leo lên nấc 60. Đặc biệt, ông lên chức “ông nội” lúc 6 giờ sáng thứ bảy tháng trước và ông gầy rạc người đi, vì cái chức “ông nội” này. Lý do: cháu ông khóc đêm dữ quá! Nó luôn khóc thét, gồng người, mặt tím lại, khan giọng, sưng cả mắt! Ông đã thỉnh “phái” đeo vào người, đốt “bùa” cho cháu uống, mượn khăn gói kinh đắp vào người... tất cả đều vô hiệu. Ruột gan ông như có ai lấy dao cắt khúc.
Sáng nay, lúc ngồi uống trà, buồn phiền, ông bỗng nhớ lại lời mẹ kể rằng: lúc nhỏ ông cũng vướng bệnh khóc dạ đề. Nội ông, đêm khuya phải chọt gậy, lén ăn cắp gáo múc nước hàng xóm, để sáng ra được người ta chửi rủa. Nếu không làm thế, ông còn khóc mãi, miệng rách đến tai, chưa thôi.
Nhớ được việc này, lập tức ông vuốt râu, tự thưởng trí nhớ mình một ly rượu ngâm “hà nàm” nai.
Ông vừa nhâm nhi ly rượu, vừa lẩm nhẩm suy tính việc chữa trị cháu mình: “Ta phải chọn loại nhất, nghĩa là hỗn nhất. Dĩ nhiên, loại này ham đạo đức”. Ông duyệt trong trí các nhân vật thượng đẳng trong xóm, thôn để tìm người sành chửi.
Bỗng ông bật dậy như lò xo: “Có rồi. Bà Bảy Sít. Miệng có quai xách. Loại i-nốc”.
Đột nhiên, ông lại đăm chiêu: “Nhưng... bà ấy... nay có còn chửi nữa hay không? Nghe đồn... đã tu tại gia rồi.”. Nhưng một chặp sau, ông mỉm cười: “Không sao. Ngựa quen đường cũ”.
Ông thấy bụng mình như no ra, nhưng lại nóng ran như lò gạch. Ông mong trời tối.
*
Hai giờ khuya, Sáu Xiểng nhỏm dậy, chân đất, bon thẳng đến xóm Đông.
Ông lẻn vào sân nhà bà Bảy Sít, tay xách cái túi vải đựng trái mướp lùi, nóng kịch liệt.
Khi đến gần bờ sân, con chó bà Bảy Sít phóng ra sủa. Ông “lia” trái mướp, con chó vồ táp và cuống lên, nhảy trốn biến. Ông cười: “Thế là con đi đứt bộ răng rồi nhá.”.
Ông ra giếng, tháo sợi dây gàu bỏ lại. Ông đến vò nước, đổ nước, úp vò, rút cán gáo bỏ lại. Ông cẩn thận tìm xung quanh, thấy bất cứ vật gì múc nước được, ông đều thu gom... Phòng xa, ông còn lật úp máng heo, lật úp cối giả chuối, chọc thủng chóp nón lá...
Cuối cùng, ông dán tờ giấy xi măng có đề chữ sẵn, vào bụng vò nước: “Tao, lão Sáu Xiểng đây. Cần cái gáo, cái gàu hốt chuồng bò. Sáng mai, mày chịu khó phóng xuống giếng súc miệng, rửa mặt. Dây gàu, cán gáo không cần dùng, tao để lại. Biết nhà Sáu Xiểng chớ? Sát quán hớt Vinh Lé đấy. Muốn đòi, sáng mướn Taxi đến, đổ cứt bò ra, lấy về”.
Ông trở gót quay về, lúc 3 giờ sáng, cồng kềnh nào xô nhựa, gàu, gáo...
Bụng ông lại nóng ran như lò gạch. Ông mong trời sáng.
*
Về nhà, ông Sáu Xiểng đợi mãi đến trưa, vẫn không thấy bà Bảy Sít đến chửi.
Hoàn toàn mất bình tĩnh, ông săn chân đến thám thính nhà bà.
Từ rào nhìn vào, ông thấy bà bình thản xách nước từ giếng lên, bằng hủ nhựa màu trắng.
Ông giận run. Ông chạy một mạch về nhà, mang gàu, gáo, xô nhựa đến trả.
Ông quăng chúng lăn lóc giữa sân, la lớn: “Tiên sư cha nhà mày... Mày không phải là người...”.
Bà Bảy Sít nghe động, vội từ nhà đi ra, bà đứng giữ cửa, tay chống nạnh, dạng chân hiên ngang, mắt mở to nhìn ông. Bà nín thinh.
Ông điên tiết, dậm chân thình thịch, gào: “Mồ cha mày! Đồ già háp”.
Bà Bảy Sít vẫn dương mắt thao láo nhìn ông, thậm chí trên gương mặt còn có niềm vui sướng chạy ngang.
Ông sôi máu, quát: “Mày câm, mày điếc, mày mù chắc? Đồ súc sinh”.
Lúc này, bà cười tủm tỉm, măt liếc xéo ông, trông thật đa tình. Ánh mắt ấy như muốn bảo rằng: “Thôi mà. Cục cưng. Sao mà nóng vậy”.
Ông xông tới, xỉa xói, giọng lạc đi: “Bớ con Sít khùng điên,. Mày có nghe tao chửi không?”.
Bà Bảy Sít lại cười, lại liếc xéo ông, thất vọng bỏ quay vào nhà, bà đi lạng qua lạng lại hình chữ z, hai mông đít như con lắc.
Sáu Xiểng nổi điên thật sự, ông đập bể gáo, bể gàu, la om sòm: “Mày giỏi ra đây... Con già háp thụt lưỡi, nghẹt họng kia...”.
Đến lúc này, thì láng giềng túa đến. Người ta can ngăn, người ta lôi ông ra về.
Bỗng cụ Bê trừng mắt, cầm nón chóp “gò găng”, chỉ vào mặt ông, quát lớn: “Con Sít nó có ăn cắp gáo, gàu nhà mày... thì mày cũng chửi làm phép, để cháu mới đẻ nó ngủ chứ... Bao nhiêu đấy là đủ hiệu quả rồi.”
Nghe thế, Sáu Xiểng ngừng tay. Ông giống người máy Rôbốt quá chừng.
Rồi ông trở thành người thật, ông đờ người, ông hụt hẫng như rơi xuống vực.
Ông lủi thủi, lếch thếch lê gót về nhà, người rã rời, đầu như lỏng ra, mắt hoa đom đóm.
*
Quá xế, trời dịu nắng, bỗng bà Bảy Sít đến nhà Sáu Xiểng.
Từ ngõ, bà chỉa loa vào, giọng the thé: “Mời... Kính mời... Cẩn thận mời... ngài Sáu Xiểng ra đây. Muốn nghe bà chửi, hãy sắm gáo gàu mới mà đền bà. Không nghe, bà đổi ý”.
Nghe vậy, ông Sáu Xiểng mừng quýnh, cắm đầu chạy thẳng chợ Bầu, mua ngay gàu, gáo đền bà Bảy Sít.
Khi thấy ông cồng kềnh mang đồ về, bà Bảy Sit dạng chân, chống nạnh, lệnh tiếp: “Đi mua ngay nước khoáng La vie bà thông giọng”
Sáu Xiểng lại quay gót, cắm đầu chạy đến quán chè con Lem mua nước khoáng về.
Ông rót ra ly đá, hai tay cung kính dâng bà.
Bà Bảy Sít hích mặt lên trời, thò tay mà không cần nhìn, bưng ly nước, nốc một phát hết sạch.
Bà quăng ly không ra ruộng, vỗ đít bép bép, bốc quăng tới tấp vào nhà, rồi quay lưng trở gót ra về, hai mông đít chao qua chao lại như con lắc.
Bà im lặng, bà không chửi một tiếng nào. Bà khinh khi. Bà ghê tởm. Bà thương xót.
Ông Sáu Xiểng há hốc mồm nhìn theo, đầu óc mụ đi, không hiểu việc gì vừa xảy ra.
Bỗng có tiếng khóc cháu ông từ nhà vẳng ra...
Ông nhói tim. Ông choáng váng. Ông ngã quỵ. Ông nhói tim…

Ngô Phan Lưu

Không có nhận xét nào: