3 thg 12, 2008

Nghien Cuu



THÉP TRONG THƠ VICTOR HUGO






Victor Hugo (1802-1885) là văn sĩ, thi sĩ số 1 của Pháp trong thế kỷ 19, chủ soái phái Lãng Mạn.
Tuy là văn sĩ lừng danh, nhưng sự nghiệp Thơ theo ông suốt đời, và đã trở thành bất tử.
Bình sinh, ông không quay lưng với cuộc sống, mà luôn có trách nhiệm đưa đường chỉ lối quần chúng. Ông đã tỏ ra xứng đáng, trung thành với sứ mệnh cao cả ấy. Ông quan niệm thi sĩ cũng là chiến sĩ. Do đó, trong Thơ ông có thép. Chất thép ấy, tốt đến nỗi, đến bây giờ vẫn chưa gỉ sét.

*
Vì phẫn nộ trước cuộc tàn sát của quân Thổ trên đảo Ki-Ô nỏi tiếng về rượu nho của Hy Lạp, ông biết rõ sự dã man nên viết bài “Em bé” in trong tập thơ “Những bài thơ phương Đông”, có đoạn ánh lên chất thép cứng rắn:

Muốn chi em? Hoa, chim, quả lạ?
Bé Hy Lạp mắt xanh trả lời: -Anh ạ
Cho em súng đạn giết quân thù. (Phùng Văn Tửu dịch)

Lại một ánh thép loang loáng nữa trong bài “La-Da-Ra” sáng lên thiện cảm đối với cuộc đấu tranh yêu nước của nhân dân Hy Lạp chống quân xâm lược Thổ:

Cô gái Tây Ban Nha múa điệu Phăng-đăng-gô
Nâng những nếp váy thêu nhẹ nhàng duyên dáng
Cưới được nàng là một nghĩa quân Cơ-lép
Mắt đen lay láy chứ không phải quan Pa-cha
Chàng nghèo khổ chẳng có gì cho
Tài sản chung qui chỉ có khí trời, nước suối
Một khẩu súng sạm khói
Và tự do trên núi rừng. (Phùng Văn Tửu dịch)

Trong tập thơ “Lá thư”, ở bài “Mơ mộng của khách qua đường về một ông vua”, cũng có đoạn loé lên ánh thép sáng ngời:

Hỡi vua chúa! Hãy coi chừng, coi chừng
Cỡi lên lưng tự do chớ xiết chặt dây cương
Khiến cho nó lồng lên hung dữ…
Phải biết theo thời lắng nghe thiên hạ
Dân chúng lớn lên
Các người cũng phải lớn lên. (Phùng Văn Tửu dịch)

Đặc biệt, trong thi phẩm “Trừng Phạt”, một thi phẩm đánh đổ kịch liệt vua Napoléon đệ tam cùng bè lũ, như một đoạn trong bài “Chiếc áo bào”. Đó là chiếc áo bào hoàng đế màu đỏ thắm, trên có thêu những con ong vàng:

Hãy nhất tề đâm hắn đi ong
(…) Hãy cắn xả vào hung dữ
Hãy chọc mù tên lừa đảo nhớp nhơ
Hắn phải bị ong tống cổ đi
Bởi vì con người run sợ. (Phùng Văn Tửu dịch)

Hoặc như bài “Đêm ấy”, có những câu toát ánh thép phẫn nộ sáng ngời:

Chỉ nghe tên, là thơ ta hầm hầm tức tối
Trong lồng ngực trái tim điên cuồng la lối
Như cây sồi trước gió gào lên trong rừng sâu.

Lại nữa, một đoạn trong bài “Đời vui”, chất thép trong thơ ông loé sáng rùng mình:

Cứ bán nước. Cứ chặt rừng. Cắt túi
Vét cạn kho, hút cạn nguồn, khô suối
Thời cơ nay dã đến rồi
Đừng để một xu
Lấy hết đi! Dễ dàng vui thú
Của nông dân ngoài đồng
Của thợ thuyền giữa phố
Cứ lấy đi, cứ sống, cứ cười
(…)Quân khốn kia
Lũ cướp đường còn tệ hơn cả cướp ngày xưa
Đang đục ruỗng dân lành với hàm răng hau háu
Không một chút lòng thương xót
Lũ hèn hạ không tim nhưng mặt có hai
Chúng nói: “Ối, thi sĩ ấy mà! Anh ta ở trên mây.”
-Phải. Mây có cả luồng sấm sét. ( Nguyễn Viết Lãm dịch)

Thái độ nhập cuộc của Victor Hugo thật rõ ràng, như một đoạn trong bài “Lời cuối cùng”:

Nếu còn lại một nghìn thôi, tôi ở trong số đó
Nếu còn lại một trăm, tôi chống địch không rời
Nếu còn lại mười người, tôi là người cuối số
Và nếu còn một người đứng đó - Ấy là tôi. (Xuân Diệu dịch)

Không những có thép trong thơ đấu tranh chính trị xã hội, mà ở phạm vi văn học, thơ ông cũng ánh lên chất thép cứng rắn. Ví như một đoạn trong bài “Trả lời một bản cáo trạng” đã nói lên quan niệm cách tân ngôn ngữ của ông:

Tôi đội mũ đỏ cho cuốn tự điển xưa
Chẳng còn từ bình dân
Chẳng còn từ nguyên lão
Dưới đáy lọ mực tôi gây bão nổi sóng cồn
Và tôi trộn lẫn giữa bóng đêm bị ngập tràn
Lũ từ đen với hàng đàn ý trắng
(…)Tôi gọi lợn bằng đích danh con lợn
Tôi bẻ gãy côm-pa nhảy ra khỏi vòng tròn. (Phùng Văn Tửu dịch)

Sở dĩ thơ Victor Hugo có thép, bởi ông là người yêu nước, yêu nhân dân lầm than thống khổ. Tổ quốc ông hay bất cứ tổ quốc ai, đó cũng là điều thiêng liêng đối với ông. Ông từng viết:

Người ta không thể sống được nếu không có bánh mì
Người ta cũng không thể sống được
Nếu không có tổ quốc. (Lời ca)

Với tinh thần thép ấy, ông đã từng nói: “Tôi sẽ là người lính, nếu hồi đó tôi không là thi sĩ.”

*
Thơ là sự nghiệp suốt đời của Victor Hugo. Thiên tài thơ của ông nẩy nở rất sớm, từ khi còn đi học. Dường như Victor Hugo dành nhiều thời gian để làm thơ và thử sức với đủ thể loại: từ đoản thi, ca khúc, đến thơ châm biếm, anh hùng ca…
Riêng về lãnh vực thơ, với sự nghiệp đồ sộ ngót gần 154.000 câu thơ, ở đó giá trị bậc nhất để tạo nên sự bền vững bất tử, chính là mối quan hệ “thép” giữa thơ và cuộc sống chính trị xã hội.
Ngô Phan Lưu

1 nhận xét:

Tung nói...

Chao chu

xin cam on chu ve nhan xet Victor Hugo. nghe ten nguoi nay da lau nhung bay gio moi biet tai nang van hoc qua loi cua chu.oi that la dep.chau se lung xem ong ta tren web. chac co le ong la nguoi phap thu hai sau Napoleon ma chau dang tim doc.