21 thg 11, 2008

Suu Tam








MỘT CHÚT NHỚ BASHÔ



Nhìn ra cửa sổ, thấy gió Nam vồ đập cây chuối te cả lá…Một cây chuối đang ló bắp! Nhìn cây chuối xác xơ, tôi liên tưởng ngay đến Matsuô Bashô, một thi sĩ thiền sư lừng danh của Nhật bản!
Vì sao tôi nhớ đến Bashô? Vì Bashô có nghĩa là Cây Chuối…Ừ, Cây Chuối…

***
Những bài thơ Haikai của Bashô tiên sinh cứ vang lên trong tâm trí…
Quán bên đường
Các du nữ ngủ
Trăng và đinh hương
Lại vang lên, vang lên, bất động, lạnh lẽo và cô đơn:
Trên cành khô
Cánh quạ đậu
Chiều Thu
Lại đột ngột vang vọng âm thanh… rồi chìm trong tĩnh lặng:
Ao cũ
Con ếch nhảy vào
Vang tiếng nước xao
Những bài thơ Haikai bình dị đến đơn sơ, chân thành đến mơ mộng, trầm lặng đến suy tư, đã gắn kết một tâm hồn với sự huyền nhiệm bao la…Bao la huyền nhiệm ấy chính là Thiên Nhiên! Thiên Nhiên!

***
M. Bashô sinh tại Oueno, tỉnh Iga, trong một gia đình hiệp sĩ. Từ nhỏ, tiên sinh đã chuyên chú đọc sách, tìm những bạn văn chương. Lúc bấy giờ có Kigin Kitamura, môn đệ của nhà văn Teikoku, người đã khởi xướng phục hưng thể thơ Haikai (một thể thơ ngắn, gồm những câu 5, 7 và 5 vần) đồng thời tổ chức thi phái Teimon (cũng gọi là phái Kofou). Bashô tiên sinh trở nên một đệ tử trung kiên của phái này. Về sau, chấn chỉnh đôi chút, Bashô thành lập thi phái Danrin. Tiên sinh lại theo học với thầy Zengin để tiếp xúc với Phật giáo Zen.
Ngày thầy qua đời, tiên sinh đã quên lãng hết những thi phái mà trước đây ưa thích. M. Bashô thành lập riêng một tao đàn tên Shôfou, chủ trương huỷ bỏ những hình thức niêm luật phiền phức nặng nề, thay thế bằng những tình cảm chân thành và hồn nhiên. Cùng với đoàn đệ tử mới, Bashô tiên sinh ngao du bốn phương trời…
Cuối cùng, Bashô tiên sinh về trú ngụ tại quận Foukagawa. Nhà của tiên sinh nằm bên bờ sông thơ mộng Soumidagawa gần Yedo (tức Tokyo ngày nay). Đó là một căn nhà thô sơ, trứơc mặt một vườn chuối. Tiên sinh đặt tên cho căn nhà mình là Bashôan. Bashôan vắng vẻ suốt ngày! Đó là một nơi yên tĩnh như tâm hồn của tiên sinh yên tĩnh! Thế rồi, một cuộc hoả hoạn lớn thiêu rụi thị trấn Yedo (năm 1662). Bashôan của tiên sinh cũng thành tro! Bên trong căn nhà chẳng có gì, ngoài chiếc giường lót cỏ, một cái bát duy nhất để đựng cơm, và một tượng Phật tổ!
Từ đấy, M. Bashô tiên sinh chán ngán cảnh phù vân, nên qua năm 1684, tiên sinh một mình ra đi lang thang trên con đường vô định…
Trong cuộc lang thang dài lâu này, tiên sinh dẫ để lại tập nhật ký tên là Noraraski-kiko. Ngày ngày tá túc vào những quán trọ nghèo nàn, thậm chí ngủ cả ngoài trời, không đòi hỏi cho mình một tiện nghi nào! Những người ái mộ tiên sinh, mời tiên sinh về nhà mình, nhưng tiên sinh từ chối cả, chỉ nhận một chén cơm đạm bạc là đủ để lên đường say mê với tiếng suối reo, ánh nắng mới…
Trong thời gian này, tiên sinh hoàn thành một tập thi tuyển tên là Okounohosomitchi. Tiên sinh cũng đã lưu lại nhiều tập thi tuyển ngắn danh tiếng như Genjuan-ki, Fukagawashu và tập phiêu lưu nhật ký tên Saganikki…
Lang thang vô hạn khắp đất Nhật, đến năm 1694 Bashô lâm bệnh, lúc ấy tiên sinh tạm trú tại Osaka. Tiên sinh lặng lẽ từ giã cõi đời, sau khi viết một bài tuyệt cú Haikai cuối cùng, tạm dịch như sau:
Lâm bệnh trên bước đường vô định
Tôi nằm mơ
Thấy mình phiêu diêu
Trên cánh đồng ma

***
Thi sĩ thiền sư M. Bashô (1644-1694) được an táng trong khu vườn thơ mộng của đền Yoshinakadera.
Tại ngôi mộ này, có trồng kỷ niệm một cây chuối lớn, loại cây mà thi sĩ ưa thích, thi sĩ quí mến, và đã chọn nó làm bút hiệu cho mình…
Và từ đây
Gió mùa Thu
Thổi niềm cô tịch
Bay đi khắp nơi
Và, thổi cả đến người ngồi viết hôm nay! Thổi để hừng lên một chút nhớ về Người… Thi sĩ thiền sư M. Bashô!


Ngô Phan Lưu

1 nhận xét:

Tung nói...

chao chu
hom nay doc trang blog cua chu trong trang thai hoc hoi va chia se.o Basho , co cai gi rat gan triet ly dong phuong.thien nhien va con nguoi, hay la so phan con nguoi? con nguoi co the tim thay gi o thien nhien.....con nguoi co the tim thay gi o con nguoi dang song va da chet? cai gi lam con nguoi chet nhung van con coi nhu song? cai gi lam con nguoi song ma nhu chet?o thien nhien u?