8 thg 8, 2008

Tac pham van huu

Lê Thiếu Nhơn


ẢO MỘNG THI CA



Vừa thấy tôi bước vào cổng, chị Thiên Thanh đã reo lên: “Welcome chú! Nhà chị đi nhậu rồi, chú cứ vào chờ đợi chốc lát!”. Quá rành tính khí bà vợ của thi sĩ Địa Linh, tôi rón rén ngồi một góc sa-lon, chuẩn bị tinh thần nghe buôn chuyện. Vẫn tay xào tay chiên trong bếp, chị Thiên Thanh nói vọng ra: “Chú biết mà, mỗi năm cứ vào mùa kết nạp hội viên Thi Bang thì nhà chị bận lắm. Khách thập phương đổ về nhờ cậy rối tung rối mù lên!”. Tôi ậm ừ, chị hỏi: “Dạo này chú ở Sài Gòn, có thường về quê không?”. Tôi đáp: “Dạ, cũng thỉnh thoảng!”. Chị tiếp: “Năm ngoái cái ông nhà thơ Nồi Đất gì đó đồng hương với chú cũng ra đây xin vào Thi Bang. Đấy, ông ấy ngồi đúng cái chỗ chú ngồi, rồi một hai năn nỉ nhà chị mời cho bằng được ông chủ tịch Thi Bang đến. Mà ông Nồi Đất đã được kết nạp vào Thi Bang chưa chú nhỉ?”.
Tôi trả lời có biết việc nhà thơ Nồi Đất ngược xuôi xin cái thẻ hội viên Thi Bang. Chị Thiên Thanh cao hứng, bỏ cơm canh nấu dở, chạy ra trước mặt tôi, tuôn luôn một mạch nguồn văn chương lai láng:
- Cũng tội nghiệp ông Nồi Đất! Cái Thi Bang bây giờ có còn danh giá như thời ông Xuân, ông Huy, ông Chế, ông Tế, ông Tô, ông Chén đâu. Cái Thi Bang bây giờ người ta đập bàn đập ghế muốn chui ra, thì ông ấy lại thậm thà thậm thụt muốn chui vào. Năm ngoái ông ấy xách theo một túi tiền, mấy chục triệu í chứ, mời bia bọt hết vị nọ đến vị kia, rồi về chỗ chị ngồi khúm núm như chó con để mong hạnh ngộ ông Long Lanh – Chủ tịch Thi Bang. Khi nhà chị gọi được ông Long Lanh đến, ông Nồi Đất sấp ngửa ào đến ôm chặt cứng như cha con nửa đời ly biệt, giọng lẩy bẩy: “Ôi ngài, ngài như cánh chim không mỏi, bay khắp quê hương để xây dựng Thi Bang ngày càng hùng mạnh xứng tầm thời đại!”. Ông Long Lanh gỡ ra thì ông Nồi Đất lại cầm lấy tay ông Long Lanh mà hôn chùn chụt, hôn tới tấp. Ông Nồi Đất cam đoan với ông Long Lanh sẽ làm lễ thật to để rước cái thẻ hội viên Thi Bang về miền Trung, bắt cả dòng họ quỳ lạy, thắp nhang khấn nguyện bảy bảy bốn chín ngày! Chả biết vì run rẩy lập bập thế nào mà ông Nồi Đất cứ gọi Thi Bang nhầm thành Cái Bang, khiến ông Long Lanh phải nhắc nhở luôn! Nhà chị thương ông Nồi Đất, cũng có góp mấy nhời với ông Long Lanh rằng, anh tạo điều kiện cho em nó vào Thi Bang, để mai mốt anh về tỉnh công tác thì có người đón tiếp cho thêm phần long trọng. Vậy mà cái ông Long Lanh kiêu ngạo gạt phắc, nại lý do ở địa phương này đã có hai hội viên là vợ chồng thi sĩ Họa Mi và Chích Chòe. Chú biết không, ông Long Lanh vừa giằng cái tay để khỏi bị ông Nồi Đất hôn nữa, vừa xuýt xoa: “Tài của cậu tuyệt vời! Thơ của cậu tuyệt vời! Truyện ngắn của cậu tuyệt vời! Tiểu thuyết của cậu tuyệt vời! Rất tuyệt vời! Thi Bang có cậu làm hội viên thì còn gì hân hạnh bằng. Thế nhưng, mình hoan hỉ thông báo với cậu là ở tỉnh cậu đã có đôi thi sĩ Họa Mi – Chích Chòe đủ làm nên một diện mạo thi ca bề thế cho một mảnh đất giàu truyền thống nhân văn. Mỗi khi mình vào tỉnh cậu, thì Họa Mi – Chích Chòe ra tận phi trường đón. Mình bước đến chân cầu thang máy bay đã thấy thi sĩ vợ ôm bó hoa, thi sĩ chồng ôm gấu bông, cả hai nước mắt giàn giụa chào mừng!”. Đấy, ông Long Lanh nói thế. Sau một hồi ngơ ngác, ông Nồi Đất kéo ông Long Lanh ra khỏi nhà, rồi đi đâu mất biệt, có vẻ bí ẩn lắm!
Tôi bảo:
- Có gì đâu, nhà thơ Nồi Đất kể với em, lúc đó đã lôi ông Long Lanh đến chỗ vắng vẻ và thề thốt trước cái đầu hói của ông Long Lanh là sẽ luôn trung thành tuyệt đối, sắt son hết mực, chung thủy keo sơn. Nhà thơ Nồi Đất từng đeo đai xanh Thái Cực Đạo, có học qua mấy buổi Vovinam và đôi khi cũng liếc mắt đến Vịnh Xuân Quyền, nên thương lượng sẽ đi vận động cho ông Long Lanh ở kỳ đại hội Thi Bang sắp tới. Ông nào bà nào mà không bỏ phiếu cho ông Long Lanh thì nhà thơ Nồi Đất sẽ cho nếm ngón võ yêu sếp.
Chị Thiên Thanh giãy nãy
- Sao lại ngón võ yêu sếp, phải là ngón võ yêu nước chứ!
Tôi đành gục gật:
- Ừ, thì ngón võ yêu nước. Đối với nhà thơ Nồi Đất thì ông Long Lanh có khác gì một khoảng trời lung linh, càng nhìn càng kỳ diệu, càng nhìn càng mênh mông…
Chị Thiên Thanh sốt ruột chen ngang
- Cuối cùng có được cấp thẻ hội viên Thi Bang không?
- Dĩ nhiên là được! Thỏa hiệp mỹ mãn mà! Nhà thơ Nồi Đất khiêng cái thẻ về tỉnh. Bà vợ của Nồi Đất lập tức đóng cửa sạp vải ngoài chợ, để cùng chồng cung nghinh cái thẻ. Vợ chồng Nồi Đất mừng rỡ tột độ, cứ chuyền nhau ngắm cái thẻ và khóc. Khóc rồi lại ngắm. Ngắm xong lại khóc. Cứ thế, khóc – ngắm, ngắm – khóc suốt ba ngày ba đêm, tiếng thánh thót chen lẫn tiếng nỉ non vang rền khắp thị xã nhỏ bé vùng thùy dương cát trắng nắng vàng!
Chị Thiên Thanh tươi tỉnh hẳn lên
- Vậy thì oách rồi. Bà con lối xóm ai cũng biết nhà thơ Nồi Đất trở thành hội viên Thi Bang.
- Nhà thơ Nồi Đất tổ chức liên tục mấy bữa tiệc ăn mừng, nghe đâu tiêu tốn khoản doanh thu cả năm từ cái sạp vải của vợ. Đông đúc thi hữu đến dự, từ nhà thơ cấp ấp đến nhà thơ cấp hẻm đều có mặt. Nhà thơ Nồi Đất mình áo the quần lĩnh, đầu chít khăn mỏ quạ, đứng hiên ngang sừng sững giữa sân mà ngửa mặt lên trời ngâm nga bài thơ tâm đắc nhất trong sự nghiệp sáng tác của bản thân. Bài thơ gì quên rồi nhỉ, bài thơ giông giống ca khúc diễm lệ ấy. À, nhớ rồi, nhà thơ Nồi Đất ngâm nga rằng: “Tình lỡ duyên rồi tay trắng tay. Trời cao có thấu được thân này…Ngõ vắng khuya về sao sáng chói lói… Nhớ em, tôi gọi tên. Chỉ nghe tiếng lá rơi thềm”. Những nhà thơ đang cụng ly bốn bên phụ họa theo tèng teng teng… teng téng tèng…
Chị Thiên Thanh nắc nỏm
- Vui nhể!? Vui nhể!?
- Đám nhà thơ lao nhao chỉ được bữa nhậu miễn phí thôi. Vợ chồng thi sĩ Họa Mi – Chích Chòe là hội viên Thi Bang, có nhiều kinh nghiệm chúc tụng hơn. Khi nhà thơ Nồi Đất vừa dứt lời, thi sĩ chồng Họa Mi liền nhảy lên bình luận: “Kiệt tác! Không thể nào nói khác hơn, chỉ có hai chữ kiệt tác mới bộc lộ hết những gì cao siêu mà thi phẩm của nhà thơ Nồi Đất đã chất chứa trong từng câu. Tôi, tác giả tập thơ “Đèo Chúi Mũi” xin vinh danh nhà thơ Nồi Đất, người đã dùng thơ làm rạng rỡ xứ sở chúng ta!”. Nhà thơ Nồi Đất nghiêng mình đón nhận lời khen, vợ của nhà thơ Nồi Đất mang ngay một sấp vải tặng cho thi sĩ Họa Mi. Đợi chồng an tọa, thi sĩ vợ Chích Chòe ỏn ẻn bước ra, mắt dim dim tán thưởng: “Da diết quá! Nhớ em, tôi gọi tên! Ôi, phải nặng lòng lắm mới viết được câu thơ da diết dường vậy! Chỉ nghe tiếng lá rơi thềm! Một tiếng lá thôi mà day dứt, mà bâng khuâng đến lạ lùng. Ôi, ngậm ngùi quá! Ôi, thanh cao quá! Ôi, thánh thiện quá! Tôi, tác giả trường ca “Dốc Chổng Mông” chân thành bày tỏ sự ngưỡng mộ thiên tài Nồi Đất!”. Trong khi đấng lang quân còn ngây ngất với nỗi hưng phấn ngút ngàn, vợ của nhà thơ Nồi Đất đã kịp dúi một sấp vải vào tay thi sĩ Chích Chòe!
Chị Thiên Thanh bỗng hướng tia nhìn xa xăm
- Vợ chồng Họa Mi và Chích Chòe trúng đậm. Nhà chị làm liên lạc cho ông Nồi Đất diện kiến Chủ tịch Thi Bang mà có được gì đâu. Lần này lại thêm chú là người quen muốn có thẻ hội viên…
Tôi lật đật đính chính
- Ấy chết! Em có viết lách gì đâu mà vào Thi Bang. Em lặn lội tìm bà xã của em.
Chị Thiên Thanh ngớ ra
- Vợ của chú bỏ nhà rong chơi Hà Nội à?
- Thì chị cũng biết bà xã của em mà. Hồi nhỏ cô ấy bị té vào giếng cạn, đầu óc vẫn lơ mơ, suốt ngày làm thơ. Từ độ cưới nhau, chạy chữa bao nhiêu danh y, mới bớt làm thơ chút ít. Không ngờ dạo này bỗng trở bệnh, sáng sớm đến tối mịt cứ lảm nhảm nối vần nối ý, lại nghe tin bà chủ tiệm cầm đồ trong xóm đã vào Thi Bang, nên vợ em kiên quyết phải có thẻ hội viên. Em thương vợ mà khốn khổ vì vợ, chị ạ! Đêm trước, đang chăn gối mặn nồng, vợ em độp hỏi: “Anh ơi, thơ vụt hiện là gì hở anh?”. Em điên tiết: “Đi mà hỏi ông Hoàng Hưng Phế!”. Đêm sau, đang hương lửa ái ân, vợ em lại độp hỏi: “Anh ơi, thơ hậu hiện đại là gì hở anh?”. Em đành chắp tay vái: “Đi mà hỏi ông In Vô Sa Vô!”
Chị Thiên Thanh cười héo hắt. Tôi tiếp tục than thở
- Vợ em muốn vào Thi Bang thì phải có thơ giới thiệu trên tờ báo Nho Phong. Vợ em khăn gói quả mướp ngàn dặm chốn kinh kỳ này, chắc là nhờ anh Địa Linh nhà chị thôi! Không thấy cô ấy ở đây, em chẳng biết tìm đâu nữa…
- A, để chị mách cho. Người hay viết bài lăng-xê các tác giả thơ trên tờ báo Nho Phong là nhà phê bình Phạm Du Dương. Gia đình Phạm Du Dương ba đời chuyên sản xuất nước hoa nhái nhãn hiệu. Ông Phạm Du Dương xin một chân chạy cờ ở viện Khảo Cổ Kinh Thư chỉ cốt lấy danh buôn bán nước hoa thôi. Bao nhiêu việc quan trọng của viện Khảo Cổ Kinh Thư thì từ ông Ngọc Phan đến ông Huệ Chi làm hết cả rồi, nên ông Phạm Du Dương lúc nào cũng mang chai nước hoa to đùng kè kè bên cạnh, nói một câu là xịt một cái, nói câu nữa xịt thêm cái nữa. Có khi vừa nói vừa xịt, khiến lời nào cũng thơm phức đầu đường, lời nào cũng bốc mùi cuối phố.
- Bà xã của em mà gặp ông Phạm Du Dương thì té giếng chuyển thành té sông, té biển!
- Vì vậy, chú phải đi tìm vợ chú ngay. Cứ đến tòa nhà Giời Ơi nằm cạnh hai cây me bị đốn thì đấy là tụ điểm của băng nhóm cò mồi thơ trên tờ báo Nho Phong!
- Đội ơn chị. Em xin lên đường giải cứu bà xã của em khỏi cơn ác mộng thi bá!

- Thi bá láp thì có. Nhanh lên, nhanh lên, nhanh như một mũi tên!
Gò Vấp, 8-2008
Lê Thiếu Nhơn

*(Đăng theo bản tác gửi ngày 8-8-2008)

1 nhận xét:

Unknown nói...

Hóm hỉnh và đáo để! Đúng giọng điệu của LTN. Không ngờ nhà thơ này viết truyện ngắn cũng "mã" ra trò!
Chúc trang blog của bác NPL ngày càng hay!