25 thg 7, 2008

Phong Van




Nhà văn NGÔ PHAN LƯU
Đam mê sống
và đam mê suy nghĩ
nhiều hơn lúc trẻ


Thứ sáu, 18 Tháng tư 2008
Con đường văn chương thật là nhọc nhằn, và người ta phải đánh đổi cả những buồn vui trong cuộc đời để theo nó. Vậy mà ông khi đã ở vào cái tuổi ít đam mê lại chọn lối đi này. Đơn giản chỉ vì nhiều thời gian và thời gian nhiều thì những nghĩ suy cũng đến nhiều. Và những con chữ cứ thế đi vào trong trang giấy?

Ngô Phan Lưu: Con đường văn chương quả là nhọc nhằn, thế nên tôi phải cố gắng hết mình, nhưng tôi cũng chả dại gì đánh đổi những buồn vui khác trong cuộc đời để chạy theo nó đâu, bởi vì nó cũng chỉ là một trong những buồn vui của tôi mà thôi. Con đường văn chương lại cũng quả là một đam mê, nhưng làm sao chị biết ở tuổi tôi lại ít đam mê? Tôi đam mê sống và đam mê suy nghĩ nhiều hơn lúc trẻ đấy. Cả hai đam mê này hiện nay đều có thể trưng dụng cho con chữ, nhưng những con chữ không dễ dàng đi vào trang giấy, mà cần phải nổ lực bản lãnh, phải lao tâm khổ trí. Tại sao như vậy? Tại vì những con chữ chúng không sợ chuyện gì, trong khi bản thân tôi lại sợ đủ chuyện! Tệ thật, nhưng phải đành vậy! Không phải vì có nhiều thời gian mà những nghĩ suy cũng đến nhiều đâu, mà chính là ngược lại. Thậm chí có thể nói, vì không còn thời gian, nên nghĩ suy mới đến nhiều. Những nghĩ suy của tôi đều chú tâm vào con người cùng thời bây giờ trong phạm vi tôi sống.Ban đầu là đến với thơ (tập thơ Bếp Lửa Chiều Đông), sau đó ông đã dự vào chiếu văn thật bất ngờ. Giải thưởng “Buổi sáng biến mất” của báo Văn nghệ đã khẳng định một cái tên Ngô Phan Lưu. Đấy chắc hẳn không phải may mắn. Ông nghĩ gì về điều này? Ngô Phan Lưu: Giải thưởng văn học dứt khoát không phải một cuộc xổ số, thế nên không có chuyện may mắn. Do đó, tôi trân trọng và vui mừng. Nó đã tạo cho tôi tự tin hơn trong công việc sáng tác văn học. Hoá ra, trong sáng tạo chẳng có bí quyết họăc qui luật gương mẫu nào buộc phải tuân theo. Hoá ra, cũng chẳng có đề tài hay hoặc đề tài dở. Vấn đề là mình có đào sâu đến tận cùng sự chân thành của suy nghĩ và hành động khi xử lý nó hay không. Tôi để ý thấy một việc giống như qui luật nhưng không phải qui luật, đó là lúc đầu tiên làm văn chương, phần nhiều ai cũng khoái làm thơ. Mà ngay cả những người không làm văn chương, hễ có dịp làm văn chương, họ cũng thích làm thơ. Do đó, như số đông, ban đầu tôi cũng đến với Thơ. Nhưng sau khi bán bò in tập Thơ “Bếp Lửa Chiều Đông” đựng chật hơi hướng một tập văn đủ thể loại, tôi biết rằng mình đã bị nàng Thơ cắm sừng. Thế là tôi bỏ Thơ. Nói “bỏ Thơ” là nói cho sang, thật ra Thơ bỏ tôi, nhưng nó bỏ tôi thì tôi dại gì mà không bỏ nó.Vậy là, xoay sang viết văn xuôi, trong đó có 2 truyện ngắn “Buổi sáng biến mất” và “Cơm chiều” được giải thưởng. Việc này không có gì là bất ngờ cả. Có bất ngờ chăng là bất ngờ đúng y như mình đã ngờ. Ừ, chúng ta vẫn luôn ở nơi chúng ta muốn đến đó thôi.Tôi thật ấn tượng với những trang tản văn ông viết. Một Ngô Phan Lưu sâu sắc nhạy cảm khi khai thác những tâm sự của người nông dân. Có những điều giản đơn đã làm nên hạnh phúc của họ. Khi tôi đọc “Đàn ông đi chợ chiều” tôi vẫn tự nghĩ theo ông thế nào là chân hạnh phúc, có phải chỉ đơn giản là đàn ông đi chợ chiều không? Ngô Phan Lưu: Cảm ơn những ấn tượng đẹp về các tản văn chứa đựng những hạnh phúc giản đơn của tôi. Nhưng đã là hạnh phúc cho dù giản đơn, thì cũng không có chân, có giả. Nếu giả hạnh phúc, hẳn nhiên đó không phải hạnh phúc. Còn đó là chân hạnh phúc thì cũng không phải là hạnh phúc nốt nữa rồi. Hạnh phúc là vật kỳ lạ, khi ta biết nó thì nó đã mất rồi. Khi ta được nó, lại chẳng biết nó có mặt ở đấy. Hạnh phúc không chỉ là “Đàn ông đi chợ chiều” mà còn nhiều thứ khác nữa trong đời một nông dân. “Đàn ông đi chợ chiều” chỉ là cái vảy của hạnh phúc, nhưng vẫn là một hạnh phúc chính cống. Việc này cũng giống như con sò chỉ là cái vảy của đại dương, nhưng nó tắm trong đại dương và rì rào đại dương. Ở trong chuyện này lại có một điều kỳ lạ nữa, đó là ước muốn có được hạnh phúc lại cản trở hạnh phúc. Cuộc sống của ông có gì thay đổi không kể từ khi có nhiều người biết đến tên ông? Tôi thì đoán rằng ông vẫn thế, vẫn cặm cụi, vẫn nghĩ ngợi, vẫn suy tư về những điều mà mọi người bình thường ít chú tâm? Ngô Phan Lưu: Tôi thật sự cảm động về câu hỏi này. Quả là một câu hỏi đã được trả lời giùm rất đúng. Thật y như thế, tôi vẫn vậy, vẫn cặm cụi, vẫn nghĩ ngợi, vẫn suy tư về những điều mà mọi người thường ít chú tâm. Đó là bản tính tôi, một tật không dễ gì bỏ được.Từ khi có nhiều người biết đến tên tôi, cuộc sống tôi vẫn vậy, chỉ khác một vài điều chẳng nhằm nhò gì, ví như khi ở phố, tôi được bạn bè rủ đi nhậu nhiều hơn, ví như khi ở quê, tôi được người ta chỉ tay, xầm xì: “Đấy, cái ông giải thưởng đấy. Nom hình xác như ma đói!”. Nhưng cũng vui, vì làm văn chương mà không ai biết đến tên mình, đấy mới là điều đáng buồn. Làm văn chương chi? Nói gì thì nói, nói trời nói đất gì thì nói, tầng sâu thẳm của người làm văn chương chính là lòng háo danh. Đến với văn chương là tình cờ nhưng khi đã ngồi trong chiếu văn này rồi, ông có thấy mình phải theo đuổi nó không, phải đi đến cùng hay là viết được cái gì thì viết , thỉnh thoảng viết cho vui? Ngô Phan Lưu: Đến với văn chương không hẳn là tình cờ, vì trong người tôi đã có “máu văn chương” chạy rần rật, nhưng tôi không quyết tâm theo đuổi nó đến tận cùng làm gì. Văn chương cũng như đàn bà, dại mà theo đuổi mãi, nó trốn mất! Tốt nhất đối với tôi, là viết được cái gì thì viết, nhưng phải viết rốt ráo, viết hết mình. Ồ, tôi đã ngồi trong chiếu văn rồi ư? Làm gì được chuyện ấy. Tôi không bao giờ ảo tưởng như thế. Muốn ngồi trong chiếu văn, tôi phải cố gắng nhiều hơn, nhiều hơn và tiếp tục nhiều hơn nữa. Hiện giờ, tôi tự biết mình đang đứng sát mép chiếu văn, có thể bước vào, rồi lại tự do bước ra, rồi lại có thể bước vào, nhưng chưa đủ sức nặng để ngồi xuống. Nếu ngu khờ tưởng bở, cứ ngồi ào xuống, người ta cũng rinh ra. Tôi thấy ông quá khiêm tốn. Trong khi đa số các nhà văn nhà thơ của ta họ ít có phẩm chất này, thường vẫn là thích ồn ã. Ông đã từng nói: văn chương với ông là cuộc thám hiểm con người. Thám hiểm con người để biết con người, tìm thấy con người và chiến đấu con người. Trong những cuộc thám hiểm ấy điều ông chú ý nhất là gì? Ngô Phan Lưu: Đây không phải vấn đề khiêm tốn hay không khiêm tốn, bởi khi ý thức được khiêm tốn là đã tự cao ngầm rồi đấy. Nhưng ở đây, tôi tự biết khả năng mình như thế nào, và tôi nhìn thẳng thừng vào nó với đôi mắt lạnh ngắt. Tôi lúc nào cũng tâm niệm lời dạy số 1 của đức Phật: “Kẻ thù lớn nhất đời người là chính mình”. Đúng vậy, văn chương đối với tôi là cuộc thám hiểm con người, trong cuộc thám hiểm này, tôi chú ý nhất là lòng người. Lòng người luôn khác với cái mồm đạo đức và khuôn mặt tươi cười của họ. Đừng ảo tưởng bề ngoài tốt đẹp. Trong lòng người, tôi lại đặc biệt chú ý đến cái ác, cái hắc ám. Cái ác, cái hắc ám nó kinh khủng lắm. Cái ác nhiều khi buộc phải làm, chứ không ai muốn. Nhưng một khi đã nhúng tay vào, là người ta buộc phải hoàn tất nó! Nếu bỏ dở dang, cái ác ấy sẽ quật ngược lại họ! Cái ác cứ như đêm, luôn bám riết lấy ngày. Ngày 12 tiếng, đêm cũng liền đấy 12 tiếng. Thua gì?
Hiện nay công việc một ngày của ông là thế nào? Và Thời gian dành cho văn chương là bao nhiêu? Ngô Phan Lưu: Tôi không có công việc một ngày như mọi ngày. Tôi không bị gò bó thời gian theo công việc, tôi muốn làm gì tuỳ ý, miễn không vi phạm pháp luật là được. Thế nên cũng dành nhiều thời gian cho văn chương bằng cách đi chơi, đọc sách và suy nghĩ. Tôi ít ngồi vào bàn để luyện văn chương. Tôi dành thời gian luyện con người mình nhiều hơn. Và ông đã luyện mình như thế nào?Ngô Phan Lưu: Việc này nói ra có nên không? Nhưng đã hỏi thì tôi vẫn nói, sai đúng gì cũng được, vì đấy là của riêng tôi. Tôi thường luyện tôi như sau: Mỗi tuần phải đọc kỹ mươi trang sách của các tác giả mình đã coi là bậc thầy. Khi đọc phải có tờ giấy trắng bên cạnh, để vẽ sơ đồ biến chuyển suy tư của họ. Sau đó, bỏ sách và coi sơ đồ. Có sơ đồ toàn là những đường đứt khúc, nhảy vọt. Có sơ đồ lại tiệm tiến, liền lac. Có sơ đồ toàn những quay tròn, xoắn xít như toc rối v.v…Và, như thế là tôi nắm được kiểu suy nghĩ đặc sản của họ ngay. Tôi cũng vẽ cả sơ đồ hành động nữa. Những sơ đồ này xem có ngược hay thuận chiều với sơ đồ suy nghĩ, và như thế sẽ vọt ra ánh sáng riêng của các bậc thầy. Tôi lại cũng hay rong chơi, giao tiếp với những người không làm văn học, để mình làm được văn học tốt hơn. Còn như cứ chuyên chơi với những người chuyên văn học, mình đã không học hỏi được gì, mà nhiều khi còn rước hoạ. Và, trên hết, là tôi phải suy nghĩ và phán đoán…Ôi, những việc này làm sao nói rõ ràng cho được!
Trong những cuốn sách ông đọc, ông có đọc nhiều sách của các bạn viết trẻ không. Và khi đọc những trang sách ấy, ấn tượng đầu tiên của ông là gì?Ngô Phan Lưu: Tôi có đọc sách của các bạn viết trẻ, tôi không say mê lắm, nhưng tôi rất trân trọng và quí mến họ. Hiện giờ, họ giống như mới, chứ không phải là mới. Họ lại giống can đãm, chứ chưa phải là can đãm….Nhưng trong tương lai gần, tôi tin họ có thể mới thật và can đãm thật. Bởi vì họ là lớp đang trẻ.
Quan niệm của ông về văn chương?Ngô Phan Lưu: Như đã nói ở trên, đối với tôi, văn chương là việc thám hiểm con người và cuộc sống bằng ngôn ngữ. Đó là cuộc thám hiểm hấp dẫn, đòi hỏi trí tuệ, tài năng và kinh nghiệm sống. Trong việc thám hiểm này, tôi nhận thấy con người cùng cuộc sống thường trực bị lung lạc bởi đồng tiền, tham vọng và bạo lực. Bên cạnh cái “thiện” hiếm hoi, cái “ác” lại đầy rẫy, và cái “ác” ấy, chỉ sợ cái “ác hơn” mà thôi! Và, đó là một chân lý cay đắng phải đắng cay. THU HUYỀN (Nguồn: Văn Nghệ Trẻ)

1 nhận xét:

Tung nói...

chao chu
neu nhu chau doc trang blog nay vao nam ngoai 2009 , chac chan chau se khong hieu every single words chu muon noi,con bay gio , thi thanh that ma noi , you are my hero.